Động thái này sẽ phần nào giúp EU giải “bài toán khó” về bình ổn thị trường năng lượng, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cả biến động.
Các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha Teresa eresa Ribera Rodríguez chủ trì.
Việc đạt được thỏa thuận sẽ mở đường cho Ủy ban châu Âu (EC) triển khai một loạt chính sách sau khi ngừng sử dụng nguồn cung khí đốt từ Nga. Một trong những chính sách này là chuyển sang các hợp đồng điện có giá cố định và lâu dài hơn, hay còn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD).
Theo đó, chính phủ ấn định giá cho nhà sản xuất điện. Nếu giá thị trường thấp hơn mức giá cố định, chính phủ sẽ bồi thường nhà sản xuất. Nếu giá thị trường cao hơn, chính phủ có quyền sử dụng lợi nhuận thặng dư của nhà sản xuất để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tiến trình đưa những đề xuất trên thành luật bị kẹt do bất đồng giữa Đức và Pháp xoay quanh nội dung liên quan đến cách thức sử dụng trợ cấp của chính phủ trong các dự án điện.
Trọng tâm của cuộc tranh cãi là mối lo ngại của Đức khi cho rằng, Pháp - vốn sở hữu nhiều nhà máy điện hạt nhân, cung cấp tới 70% điện năng cả nước - sẽ có lợi thế do năng lượng hạt nhân rẻ hơn và phần lợi nhuận thặng dư sẽ nhiều hơn so với các thành viên khác trong EU. Số tiền này có thể được sử dụng để trợ giá cho các ngành công nghiệp, tạo ra một cuộc cạnh tranh không công bằng.
Ngoài ra, Chính phủ Đức khẳng định rằng, việc loại bỏ năng lượng hạt nhân sẽ giúp các quốc gia an toàn hơn vì những rủi ro về hạt nhân là không thể kiểm soát được. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã nhấn mạnh yêu cầu một "sân chơi bình đẳng" tại thị trường năng lượng ở châu Âu...
Trong khi đó, Pháp khẳng định, chính sách năng lượng là sự lựa chọn có chủ quyền và EU được hưởng lợi từ nguồn điện chạy bằng năng lượng nguyên tử giá rẻ. Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đã lên tiếng phản đối chính sách phân biệt đối xử chống lại năng lượng hạt nhân, đồng thời khẳng định, năng lượng hạt nhân có thể cải thiện tình hình an ninh năng lượng tại khu vực.
Trên thực tế, điện hạt nhân là thế mạnh của Pháp, giúp nước này bảo đảm an ninh năng lượng khi cả châu Âu bị lộ nhược điểm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Điện hạt nhân cũng được coi là một trong ba trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050, cùng với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm năng lượng.
Đứng về phía Pháp trong cuộc tranh cãi này là các quốc gia Trung và Đông Âu vốn cũng có tham vọng mở rộng năng lượng hạt nhân, trong khi Đức nhận được sự ủng hộ của Áo, Bỉ, Đan Mạch và Luxembourg.
Để thu hẹp khác biệt trong quan điểm giữa Pháp và Đức, sau khi có sự thống nhất của 27 bộ trưởng năng lượng trong EU, cuối cùng EU đã thống nhất cho phép các chính phủ có thể quyết định áp dụng chênh lệch CFD vào các khoản đầu tư nhằm cải tạo đáng kể các máy phát điện hiện có, tăng công suất cũng như đầu tư năng lượng trong tương lai.
Điều này cho phép Pháp sử dụng CFD để kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân cũ. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên phải tuân theo một số quy tắc nhất định do EC đặt ra, bảo đảm sự phân phối lợi nhuận chênh lệch của CFD không tạo ra sự biến dạng quá mức đối với cạnh tranh và giao dịch trên thị trường nội bộ.
Các quy tắc đối với CFD sẽ chỉ được áp dụng sau thời gian chuyển tiếp 3 năm (5 năm đối với một số trường hợp đặc biệt) sau khi thỏa thuận có hiệu lực nhằm duy trì sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các dự án đang diễn ra.
Ngoài ra, thỏa thuận giữa các bộ trưởng năng lượng EU cũng thống nhất nội dung tăng cường bảo vệ người tiêu dùng bằng cách thiết lập quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp và khả năng tiếp cận giá điện linh hoạt.
Việc các thành viên đạt được sự đồng thuận sẽ giúp ổn định thị trường điện dài hạn bằng cách thúc đẩy các hợp đồng mua bán điện (PPA), khái quát hóa CFD và cải thiện tính thanh khoản của thị trường kỳ hạn. Nhờ đó, EU có thể hoàn thành mục tiêu cải cách trong năm nay. Đây cũng là một dấu ấn của Tây Ban Nha, quốc gia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU.
Bà Teresa Ribera Rodríguez, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha nhấn mạnh: "EU đã thực hiện một bước tiến chiến lược cho tương lai thông qua một thỏa thuận mà chỉ vài năm trước đây khối này coi là điều không thể tưởng tượng được".
Gửi phản hồi
In bài viết