Cải thiện năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tập trung vào việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu kinh tế, xã hội của thành viên. Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp phát huy sức mạnh dẫn dắt kinh tế nông thôn, yêu cầu về đổi mới tư duy, kiến thức, chính sách… được xem là đòn bẩy giúp tăng nguồn lực nội tại cho HTX.

Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (Hà Tĩnh) sử dụng máy cấy sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng lớn.

Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (Hà Tĩnh) sử dụng máy cấy sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng lớn.

Trang bị kiến thức về khoa học công nghệ, quản lý... cho ban quản lý, xã viên được coi là khâu đột phá trong nâng cao năng lực nội tại của các HTX nông nghiệp hiện nay.

Tri thức là chìa khóa

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong năm qua, cả nước thành lập mới 1.942 HTX, nâng tổng số HTX lên 33.557 HTX; trong đó, có 22.415 HTX nông nghiệp (chiếm 66,8% tổng số HTX, tăng 1.062 HTX so với năm 2023). Nhiều HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Là địa phương xác định nông nghiệp là thế mạnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 1.009 HTX và 3 Liên hiệp HTX; trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có 548 HTX (chiếm 54,3%); tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt 42,8 %, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, đây là kết quả của nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cho các HTX thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về khoa học công nghiệp và quản lý.

Thăm HTX nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chúng tôi mới thấy tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức cũng như coi tri thức là chìa khóa mở cánh cửa thành công của HTX trong phát triển kinh tế cho các thành viên. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư; quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ các công trình thủy lợi, điều hành nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu mua nông sản của người dân…

HTX nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam là điểm sáng về mô hình kinh doanh đa ngành tại địa phương. Hiện 4/5 thành viên Ban quản trị HTX có trình độ từ cao đẳng trở lên đã tạo điều kiện cho việc tiếp cận khoa học công nghiệp, triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp hiệu quả.

Ông Bùi Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam cho biết, HTX đã làm tốt việc cung ứng các dịch vụ và tiêu bao sản phẩm cho 700 thành viên. Đồng thời, xây dựng đề án cải tạo đồng ruộng, thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi cáy với quy mô 10 ha vùng ven sông Lam. Qua đó, tạo ra các sản phẩm OCOP gạo hữu cơ, rươi cấp đông, chả rươi, ruốc rươi, mắm cáy... góp phần nâng cao sản lượng hàng hóa chủ lực của địa phương.

Cải thiện năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp ảnh 1

Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (Hà Tĩnh) sử dụng máy cấy.

Phát huy vai trò dẫn đầu của HTX trong phát triển kinh tế nông hộ nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung không chỉ được coi là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, mà còn của hầu hết các địa phương trong cả nước.

Tại tỉnh Hà Nam, nhiều năm qua kinh tế HTX cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam, doanh thu bình quân của các HTX tại tỉnh đạt khoảng 1.250 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 70 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX lên khoảng 32 triệu đồng/năm.

HTX Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có 5 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: trà ướp bông sen, trà hoa súng, đông trùng hạ thảo, rượu sen, rượu đông trùng hạ thảo.

Ông Trần Đăng Nhàn, Giám đốc HTX Hoàng Trà, cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, tham gia các hội chợ, trưng bày, quảng bá trong tỉnh, khu vực và toàn quốc để quảng bá, mở rộng thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục áp dụng khoa học công nghiệp, quy trình sản xuất hiện đại để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt OCOP 4 sao.

Nâng cao năng lực cho hợp tác xã

Để hướng đến diện mạo mới của HTX kiểu mới với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới; kiến thức mới; ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao góp phần ngày càng tạo ra nhiều HTX nông nghiệp thành đạt, làm nòng cốt tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng nông thôn trong cả nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các HTX nông nghiệp tiếp tục tập trung xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế; chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị nông sản toàn diện và minh bạch với mục tiêu là kết nối chặt chẽ giữa khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, tạo ra giá trị tối đa cho sản phẩm. Đồng thời, các địa phương cần phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng với công nghệ block chain nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp người tiêu dùng theo dõi chi tiết hành trình của sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn; tập trung đầu tư vào chứng nhận chất lượng quốc tế, phát triển các sản phẩm đặc thù có giá trị cao và xây dựng thương hiệu riêng; hình thành các vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, để nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp cần đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX. Tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực trẻ, có trình độ cao tham gia làm việc tại HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ở các khu vực nông thôn và vùng khó khăn. Đồng thời, cần tổ chức các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lao động tại HTX từ đó cải thiện năng suất lao động và khả năng thích nghi với các yêu cầu sản xuất hiện đại.

Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Hà Nam, Đỗ Xuân Trường cũng chia sẻ, những năm qua công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX được Liên minh HTX tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX những kiến thức mới, tiếp thu đầy đủ và hiểu sâu hơn về các chính sách mới về phát triển kinh tế tập thể, HTX của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh. Ngoài việc học tập, tiếp thu kiến thức trên lớp, các học viên còn tham gia các hoạt động ngoại khoá, trao đổi kinh nghiệm, tham quan và học tập thực tế tại các mô hình HTX điển hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh, qua đó đã góp phần giúp cho học viên nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Để hỗ trợ HTX gia tăng nguồn lực nội tại, năm 2021 tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 56 và sau đó là nghị quyết 91/HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 với nhiều chính sách ưu đãi cụ thể cho cán bộ cấp cao HTX và thành viên HTX như, hỗ trợ người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại HTX với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng, tối đa 59.110.000 đồng/1 lao động/năm. Thời gian hỗ trợ tối đa là ba năm, tối đa 2 người cho một HTX…; hỗ trợ đào tạo cho quản lý của HTX 100% học phí, tài liệu học tập và hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng...

Cải thiện năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp ảnh 3

Các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã được nhiều người dân quan tâm

Ở góc độ cơ sở sản xuất, theo chia sẻ của ông Bùi Văn Tới, thành viên HTX Thống Nhất Xuân Lam, muốn HTX nông nghiệp phát triển bền vững thì cần phải thay đổi tư duy sản xuất, quản lý của các thành viên trong HTX. Đội ngũ quản trị, các thành viên HTX cần tích cực tiếp cận phương thức sản xuất mới, điều quan trọng nhất là từ bỏ tập quán, tư duy canh tác cũ trong sản xuất nông nghiệp.

"Với HTX Thống Nhất Xuân Lam, chúng tôi luôn đề cao tinh thần làm nông trung thực, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đạt chuẩn và bảo đảm được chất lượng sản phẩm để gây dựng thương hiệu gạo rươi đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững mà 700 thành viên của HTX nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam" - ông Bùi Văn Tới cho biết.

Tạo ra nguồn nội lực đủ mạnh để phát triển HTX bền vững, tri thức, khoa học công nghệ, nguồn vốn... được xem là những điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, để không bị tụt hậu thì các HTX cần sự năng động, sáng tạo trong thích ứng và vận dụng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây cũng chính là chìa khóa để HTX nông nghiệp làm chủ trong cuộc chơi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục