Báo Phnom Penh Post ngày 13-10 dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Luy David cho biết, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư mời đến 52 nhà lãnh đạo các nước đối tác trong ASEM, trong đó 14 nhà lãnh đạo đã nhận lời tham dự. Campuchia sẽ nhận thư trả lời của các nhà lãnh đạo khác trong thời gian khoảng một tháng trước khi diễn ra hội nghị.
Theo ông David, Hội nghị thượng đỉnh ASEM 13 sẽ sử dụng nền tảng video trực tuyến Zoom và phía Campuchia đã chuẩn bị 3 tài liệu trình lên hội nghị xem xét thông qua, gồm Thông cáo chung Phnom Penh về khôi phục kinh tế - xã hội hậu Covid-19, Thông cáo chủ trì ASEM 13 và Thông cáo ASEM 13 về kết nối.
Thông cáo Phnom Penh do lãnh đạo cấp cao Campuchia chắp bút nhằm khẳng định cam kết của lãnh đạo khu vực Á - Âu tham gia vào sự hồi phục của thế giới đang phát triển thời hậu Covid-19.
Với chủ đề: “Tăng cường đa phương hóa vì sự tăng trưởng chung”, Hội nghị thượng đỉnh ASEM 13 sẽ thảo luận việc kiềm chế các thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra và nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo ông Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, việc Campuchia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEM 13 cho thấy vai trò quan trọng của nước này trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Campuchia có thể thể hiện khả năng về vai trò và nguồn nhân lực cũng như thông tin. Điều này giúp nâng cao hình ảnh của Campuchia trên trường quốc tế.
Ông Kin Phea cũng cho hay, thông qua hội nghị này, mọi người sẽ nhận thấy điều quan trọng nhất có thể mang lại lợi ích cho các nước là nỗ lực phối hợp chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Đây cũng là lực đẩy cho chủ nghĩa đa phương trong khu vực và trên thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết