Các đại biểu tại phiên họp.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc khẩn trương chuẩn bị Hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp và thống nhất với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết với 4 nhóm chính sách lớn. Các đại biểu đánh giá, đây là những cơ chế, chính sách vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, cũng là để kịp thời cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các đại biểu cũng cho rằng, đây là Nghị quyết có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội và cơ bản chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành và mang tính chất đặc thù, do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ đặc thù vào tên của Nghị quyết để thể hiện rõ nội hàm trong nội dung của Nghị quyết.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.
Đối với quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa về chính sách này để đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội đề nghị giản lượng hóa mọi thủ tục đối với hoạt động khoa học mang tính thường xuyên để nuôi dưỡng lực lượng khoa học công nghệ làm nhiệm vụ chuyên môn về khoa học công nghệ với mục tiêu chính để nâng cao trình độ, tăng năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ. Trên nền lực lượng khoa học công nghệ sẽ có đặt hàng của Nhà nước, đặt hàng của doanh nghiệp cho nên cần nghiên cứu tối giản các thủ tục để tiến hành được thuận lợi.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với cơ chế chấp nhận rủi ro và cơ chế đầu tư qua quỹ, đề nghị ngành khoa học công nghệ cần nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước đầu tư qua quỹ để quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ hiệu quả. Đồng thời, đề nghị nên có cơ chế để hỗ trợ nghiên cứu, theo đại biểu những nội dung nghiên cứu đang làm dở không nhất thiết phải bắt đầu lại từ đầu, mà khi thấy một số nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu có triển vọng thì nên có cơ chế để hỗ trợ nghiên cứu để đạt được mục tiêu, kết quả cuối cùng. Đại biểu cũng đề nghị cho phép khoán chuyên môn đối với các nhà khoa học để thuận lợi trong chi trả cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Gửi phản hồi
In bài viết