Quy định cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là chưa phù hợp
Ngày 9/11, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, Điều 2 dự thảo Luật quy định: Sự cố là tình huống nguy hiểm, nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự trong phiên thảo luận ở hội trường, ngày 9/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Theo quy định này, sự cố và thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Đại biểu Tú dẫn chứng Điều 18 quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố; trong khi đó, Mục 3 Chương 2 cũng chỉ quy định chung các hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố.
Đại biểu cho rằng, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh việc quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.
Về cấp độ phòng thủ dân sự, khoản 2 Điều 21 dự thảo luật quy định 4 cấp độ phòng thủ dân sự theo phạm vi địa giới hành chính: phạm vi địa bàn cấp huyện (cấp 1); phạm vi địa bàn cấp tỉnh (cấp 2); phạm vi địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp 3); trong tình trạng khẩn cấp (cấp 4).
Theo đại biểu Tú, việc quy định cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, là cơ sở cho việc ban bố, bãi bỏ các biện pháp áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự. Do đó, cần cân nhắc kỹ việc quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính.
Quang cảnh phiên thảo luận, chiều 9/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu làm rõ thêm: Trường hợp thảm họa, sự cố xảy ra ở 2 xã nhưng trên cùng 1 huyện thì áp dụng phòng thủ dân sự cấp độ 1 nhưng xảy ra ở 2 huyện trong cùng một tỉnh lại xác định là phòng thủ dân sự cấp 2, trong khi tính chất, mức độ nghiêm trọng của thảm họa, sự cố trong 2 trường hợp này có thể giống nhau.
“Điều này là chưa phù hợp, vì xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau sẽ dẫn đến việc áp dụng các biện pháp ứng phó trong từng cấp độ khác nhau. Phòng thủ dân sự cấp độ 2 cao hơn phòng thủ dân sự cấp độ 1, tuy nhiên không phải mọi trường hợp hậu quả của thảm họa, sự cố xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh cũng lớn hơn thảm họa sự cố xảy ra trên địa bàn cấp huyện” – đại biểu Tú nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ.
Bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là “thiếu tinh thần trách nhiệm”
Điều 9 dự thảo Luật quy định 9 nhóm hành vị bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự, gồm: chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự không đúng mục đích hoạt động phòng thủ dân sự; lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu rõ, xuất phát từ thực tiễn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng.
Nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ không sâu sát, không kịp thời, có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm thì sẽ có nguy cơ xảy ra hậu quả thảm họa, sự cố nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy của người đứng đầu cơ quan, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang).
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Cũng liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm một khoản đó là cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự.
Việc bổ sung thêm khoản này nhằm làm cơ sở chế tài xử lý trong trường hợp có tình huống về thảm họa, sự cố, thiên tai khi địa phương huy động mà các tổ chức, cá nhân cản trở hoặc không giao lực lượng.
Góp ý vào khoản 5 Điều 9 quy định về hành vi làm hư hỏng, phá hủy trộm cắp trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn. Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự.
Gửi phản hồi
In bài viết