Tại hội thảo, 6 báo cáo của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã đề cập các vấn đề: Thực trạng rác thải nhựa; hạn chế về cơ chế chính sách, các kiến nghị và các đề xuất giải pháp trong quản lý rác thải nhựa.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa của Việt Nam, về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế).
Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilon thân thiện với môi trường; chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư. Thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy còn thấp nên chưa tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilon.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Phân loại tại nguồn; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa...
Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, Urenco đang triển khai thực hiện dự án quản lý, phân loại rác thải tại nguồn nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Sau 6 tháng triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm (từ ngày 21-9-2020 đến 30-3-2021) đạt kết quả khả quan. Dự kiến, Urenco sẽ triển khai thực hiện tại 4 quận nội đô và các địa bàn Urenco quản lý...
Gửi phản hồi
In bài viết