Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tại Hà Nội.
Lĩnh vực sức khỏe hiện có 17 mã ngành đào tạo đại học, với 66 trường đào tạo. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 37.512 sinh viên. Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác.
Trong những năm qua, hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe sử dụng tổ hợp B00 (toán, hóa học, sinh học) và A00 (toán, hóa học, vật lý). Ngoài ra, còn có tổ hợp A02 (toán, vật lý, sinh học), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh), D08 (toán, sinh học, tiếng Anh)... Theo Bộ Y tế, toán, hóa học, sinh học, vật lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối quản lý về giáo dục đại học, trong đó có cả giáo dục đại học cho lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của bậc đào tạo đại học.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn ngữ văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặt khác, việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn ngữ văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe. Các cơ sở đào tạo cần cân nhắc đến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển.
Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển.
Gửi phản hồi
In bài viết