Trước mỗi việc của tập thể, dù là những việc tốt, thành tựu, họ thường nghi kỵ, phủ nhận, cho rằng đó chỉ là sự ăn may hoặc không thực chất. Đáng lo ngại, từ cái nhìn nghi kỵ, bất mãn đó, dẫn đến tiêu cực, nói xấu cấp trên và đồng nghiệp, phủ nhận các thành quả chung.
Nguyên nhân của trạng thái này chủ yếu xuất phát từ sự bất mãn cá nhân, do những mong muốn, nguyện vọng của bản thân không được đáp ứng, như chưa được đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm; chất lượng hoàn thành công việc không được đánh giá cao; bị kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm...
Hậu quả là gây ảnh hưởng tới chất lượng công tác của bản thân, tới uy tín của cơ quan, đơn vị, địa phương, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng và cả tập thể; nguy hiểm cho sự ổn định của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Đây chính là một trạng thái tâm lý nguy hiểm, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Bởi các thế lực xấu, thù địch luôn ra sức lợi dụng, sử dụng các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị làm lực lượng xung kích, tiên phong để phát tán thông tin xấu độc, lôi kéo, kích động, thao túng tâm lý, từ đó tạo ra ý muốn phản kháng. Những cá nhân vốn là người tốt, nhưng khi công việc, cuộc sống không được như ý thì sinh ra bất mãn rất dễ bị lợi dụng kiểu này.
Chính vì vậy, mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị cần xây dựng lối suy nghĩ, lối sống tích cực; quan tâm, giải quyết tốt các chế độ, chính sách đi đôi với kịp thời nắm bắt và phát hiện những biểu hiện tâm lý bất ổn, những vấn đề phát sinh để có giải pháp giải quyết cụ thể.
Mỗi cán bộ đảng viên cần tích cực nêu gương trong công tác, lao động, học tập để tạo niềm tin cho tập thể, cho quần chúng, nhân dân; tỉnh táo trước tin giả, tin đồn, thông tin xấu độc trên không gian mạng; luôn giữ tinh thần lạc quan, năng lượng tích cực, vì tập thể và chính bản thân mình.
Gửi phản hồi
In bài viết