Cần xử lý hành vi vứt xác động vật ra môi trường

- Tại một số địa phương thời gian qua xuất hiện tình trạng vứt xác động vật ra môi trường. Việc làm thiếu ý thức này không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn là nguyên nhân làm lây lan, phát tán dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Bà Lưu Thị Ân, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) bức xúc, sáng 13-8 vừa qua, bà phát hiện 2 con lợn có dấu hiệu bất thường xuất hiện tại bãi ngô của gia đình. Điều đáng nói là 1 con đã chết ngay sau đó ít phút và con còn lại vẫn lang thang tại cánh đồng thuộc tổ 8. Bà Ân cho biết, trên cơ thể của 2 con lợn trên có nhiều nốt mẩn đỏ, đây có thể là lợn nhiễm bệnh. Tuy nhiên người nuôi thiếu ý thức không chôn, tiêu hủy theo đúng quy định của ngành Thú y mà đem vứt ra môi trường.

Ông Trịnh Xuân Quý, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, phường Nông Tiến cho biết, phát hiện lợn nhiễm bệnh của người dân thiếu ý thức vứt ra môi trường, ông đã báo cơ quan thú y, đồng thời chôn xác lợn chết. Nếu không xử lý kịp thời, nguy cơ lây nhiễm bệnh ra các hộ chăn nuôi khác trong vùng là rất cao.

Rác thải, xác động vật vứt ngay trên tuyến Quốc lộ 2C, đoạn qua xã Phúc Ứng (Sơn Dương).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn Châu phi trên lợn, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh cúm gia cầm tại các địa phương chưa được kiểm soát hoàn toàn, việc tiêu hủy, chôn lấp theo quy định là khâu quan trọng để dập dịch. Tuy nhiên, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ngay trên tuyến Quốc lộ 2C thuộc địa bàn thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng (Sơn Dương), người đi đường có thế bắt gặp những bao tải rác và cả xác gia súc, gia cầm được vứt tại đây, mùi hôi thối phát ra làm nhiều người ngao ngán. Ông Hoàng Văn Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Thê cho biết, đây là đoạn đường vắng, không có nhà dân, tình trạng vứt rác, xác động vật chết đã xảy ra từ lâu, thôn đã cắm biển cấm đổ rác, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn, rất khó phát hiện vì người dân đổ trộm rác vào buổi tối. Cách đó không xa, cầu qua thôn Phúc Vượng, xã Phúc Ứng nồng nặc mùi hôi thối bốc lên từ những bao tải chứa xác động vật, ruồi bu kín. Bà Đỗ Hồng Chuyển, thôn Phúc Vượng bức xúc: “Xác động vật chết, rác thải được người qua đường ném từ trên cầu xuống suối, mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sống ven suối”.

Ông Dương Đức Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, việc người dân có lợn chết không báo cho cán bộ chuyên môn và chính quyền địa phương để thống kê, xác định nguyên nhân mắc bệnh và tổ chức tiêu hủy mà mang vứt ra môi trường là việc làm rất nguy hiểm, gây ô nhiễm, nguồn lây, phát tán dịch bệnh khiến cho mọi nỗ lực phòng chống dịch bệnh càng trở nên khó khăn và khó kiểm soát.

Tại một số địa phương khi gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, nhiều hộ dân cũng tự ý đem đi tiêu hủy hoặc đem vứt xác động vật ra môi trường cũng khá phổ biến. Tại khoản 6 và khoản 10, Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, theo quy định người vứt xác động vật chết ra môi trường còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy xác động vật vi phạm.

Để chấm dứt tình trạng vứt xác động vật chết ra môi trường, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tổ chức tiêu hủy theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, vứt xác động vật chết ra môi trường.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục