Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Bloomberg.
Ngày 1-6, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi thực hiện cam kết phân phối công bằng vắc xin ngừa Covid-19 để có thể kiểm soát đại dịch. Các nhà lãnh đạo 4 tổ chức quốc tế này cũng bày tỏ lo ngại rằng sự khác biệt giữa các chương trình tiêm chủng vắc xin đã tạo điều kiện cho các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện, dẫn tới nhiều đợt bùng phát mới tại các nước đang phát triển.
Châu Mỹ
Ngày 1-6, WHO đã bày tỏ lo ngại về tình hình dịch Covid-19 ở khu vực Nam Mỹ. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết 8 trong số 10 quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất trong tuần trước là ở châu Mỹ. Quan chức WHO cũng nhận định, tình hình ở Nam Mỹ hiện nay vẫn đáng lo ngại. Những yếu tố như tốc độ lây lan nhanh, sự lây nhiễm trong cộng đồng đang gia tăng và hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chịu nhiều áp lực đã được phản ánh qua tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 1-6 cho thấy, 12 bang tại nước này đã đạt mục tiêu mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề ra, đó là tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành.
Cũng theo CDC, có 168,5 triệu người, tương đương 51% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, và 41% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Khoảng 81% trong số hơn 366 triệu liều vắc xin được phân phối đã sử dụng.
Ngày 1-6, Viện Nhi khoa Mỹ cho biết vào tuần trước, nước này đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 hằng tuần ở trẻ em thấp nhất kể từ đầu tháng 10-2020, với khoảng 34.500 trường hợp. Tính đến ngày 27-5, đã có tổng cộng gần 4 triệu trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 ở Mỹ. Trẻ em vẫn được coi là nhóm đối tượng ít có khả năng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng do mắc Covid-19 và có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với người trưởng thành. Theo số liệu tổng hợp được cung cấp bởi 24 bang của Mỹ, chỉ có 0,1 - 1,9% số ca mắc Covid-19 ở trẻ em phải nhập viện.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần tới, chính quyền của Tổng thống J.Biden sẽ công bố cách thức phân phối vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước khác trên thế giới, trong nỗ lực phân phối công bằng và hiệu quả vắc xin toàn cầu.
Ngày 1-6, Ủy ban Tư vấn quốc gia về miễn dịch của Canada đã thông báo hướng dẫn cập nhật, cho phép kết hợp các loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép tại nước này trong nhiều trường hợp. Cụ thể, người đã tiêm mũi đầu tiên là vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) có thể tiêm mũi thứ hai là vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hay hãng Moderna (Mỹ), trừ phụ nữ có thai. Văn bản này cũng cho biết vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể được sử dụng kết hợp cho cả mũi tiêm thứ nhất và thứ hai…
Châu Âu
Ngày 1-6, Chính phủ Anh cho biết lần đầu tiên trong vòng 10 tháng qua, nước này không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 nào trong ngày. Anh đã có thêm 3.165 ca mắc Covid-19 trong ngày 1-6, đánh dấu ngày thứ bảy liên tiếp có hơn 3.000 trường hợp nhiễm mới trong bối cảnh các nhà khoa học đang cảnh báo về nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới ở xứ sở Sương mù. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, biến chủng B1.617.2 lần đầu được xác định ở Ấn Độ hiện là chủng lây nhiễm chủ yếu ở Anh và chiếm tới 3/4 tổng số ca mắc mới.
Ngày 1-6, Chính phủ Ireland đã thông báo về gói kích thích trị giá hơn 4 tỷ euro nhằm đưa nền kinh tế nước này ra khỏi những thiệt hại khổng lồ do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Ireland Micheal Martin khẳng định, mục tiêu của nước này là khôi phục, sau đó là vượt qua con số việc làm trước khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia châu Âu này đã vượt mức 20%.
Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức đã hạ nguy cơ dịch Covid-19 từ mức “rất cao” được ban bố hồi tháng 12-2020 xuống mức “cao”. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết tình hình đã được cải thiện rõ ràng, song nước này vẫn đang ở giữa đại dịch.
Châu Á
Ngày 1-6, WHO đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vắc xin thứ hai của Trung Quốc, sau vắc xin của hãng Sinopharm, được WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp. Tuyên bố của WHO khẳng định, vắc xin này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và hiệu quả. Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin này cho người từ 18 tuổi trở lên, với 2 liều cách nhau từ 2-4 tuần.
Ngày 1-6, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 4,5 tỷ USD với mục tiêu giảm thiểu các tác động về kinh tế của đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính nước này cho biết, các biện pháp kích thích nhằm trợ giúp những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và kích thích tiêu dùng nội địa.
Gửi phản hồi
In bài viết