Canada đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trầm trọng. (Ảnh REUTERS)
Nền kinh tế Canada từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những thách thức như lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái ngày càng rõ rệt khiến mọi chi phí sinh hoạt leo thang, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động được ghi nhận ở mọi lĩnh vực từ y tế, vận tải, xây dựng, cho tới công nghệ thông tin…
Trong khi đó, theo dữ liệu từ cuộc điều tra dân số được Chính phủ Canada công bố, khoảng 14% số dân nước này trong độ tuổi từ 55 đến 64, đồng nghĩa việc một lượng lớn dân số bước vào tuổi về hưu. Các doanh nghiệp tại Canada đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng thiếu hụt lao động lớn nhất từng được ghi nhận, với gần 1 triệu vị trí việc làm đang trống. Các chuyên gia cho rằng, người nhập cư không thể đảo ngược tác động của tình trạng già hóa dân số, song có thể giúp quá trình chuyển đổi suôn sẻ, lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động và các khoản đóng thuế từ lao động nhập cư góp phần duy trì các dịch vụ xã hội.
Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada mới đây đã công bố kế hoạch đặt mục tiêu đón 465.000 người thường trú vào năm 2023. Con số này sẽ tăng lên 485.000 người vào năm 2024 và 500.000 người vào năm 2025, so với mức hơn 405.000 trong năm 2021. Bộ trưởng Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada Sean Fraser (X.Phra-dơ) nhấn mạnh, hoạt động nhập cư là cần thiết, nhằm giúp Canada tăng dân số, đáp ứng nhu cầu bổ sung lực lượng lao động và giải quyết tình trạng già hóa dân số.
Hội đồng Kinh doanh Canada hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng số lượng người nước ngoài tới định cư. Phần lớn người dân Canada cũng ủng hộ chính sách thu hút người nhập cư của Chính phủ. Kết quả cuộc thăm dò gần đây của Viện Environics cho thấy gần 70% số người Canada khi được hỏi cho biết cảm thấy thoải mái với số lượng người nhập cư hiện tại. Người dân cho biết, họ đã quen với việc sống trong các cộng đồng đa dạng và ngày càng cảm thấy thoải mái hơn với sự đa dạng này.
Cơ quan điều tra dân số Canada cũng công bố số liệu cho thấy, người nhập cư hiện chiếm khoảng 23% số dân tại nước này, tỷ lệ lớn nhất trong hơn 150 năm qua. Nếu chính sách thu hút người nhập cư được duy trì, trong khi tỷ lệ sinh thấp hơn mức cần thiết, tới năm 2041 tỷ lệ người nhập cư được dự báo sẽ chiếm từ 29% đến 34% tổng dân số của Canada.
Giai đoạn 2016-2021, hơn một nửa số người nhập cư đến Canada theo các chương trình di dân kinh tế, dựa trên khả năng đóng góp cho nền kinh tế của đất nước thông qua lao động hoặc đầu tư. Chiến lược của chính phủ liên bang coi người nhập cư là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động đã thành công khi khoảng 80% số người mới tham gia lực lượng lao động trong giai đoạn nêu trên là người nhập cư. Năm 2021, 60% trong số người nhập cư trở thành thường trú nhân của Canada thuộc nhóm kinh tế. Họ có học vấn cao, sẵn sàng và có khả năng tài chính để bắt đầu kinh doanh, có kỹ năng công việc cần thiết hoặc cam kết đầu tư đáng kể vào doanh nghiệp ở Canada.
Nhằm tiếp tục thu hút lao động nhập cư, Bộ Việc làm, phát triển lực lượng lao động và hòa nhập người khuyết tật Canada đã tài trợ cho các dự án thuộc Chương trình Công nhận chứng chỉ nước ngoài. Việc cải thiện các quy trình công nhận chứng chỉ nước ngoài giúp những người mới đến có tay nghề cao đạt được kinh nghiệm làm việc tại Canada trong ngành nghề hoặc lĩnh vực nghiên cứu của họ.
Hiệp hội Dịch vụ định hướng đa ngôn ngữ cho cộng đồng nhập cư (MOSAIC) cũng nhận được tài trợ cho Dự án thí điểm thực tập trải nghiệm làm việc tại Canada. MOSAIC giúp các chuyên gia người nước ngoài đến Canada, với trình độ học vấn và kinh nghiệm quốc tế, có được kinh nghiệm làm việc cần thiết để tiếp cận các cơ hội trên thị trường lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết