Khu vực biên giới bao gồm tỉnh Balochistan (Pakistan), tỉnh Sistan và Baluchestan (Iran) luôn trong tình trạng phức tạp nhiều năm qua.
Căng thẳng mới bùng nổ khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 16-1 mở cuộc không kích vào vùng Balochistan của Pakistan, gần biên giới Iran, với lý do tiễu trừ khủng bố. Iran tuyên bố họ "chỉ nhằm vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan" và công dân Pakistan không phải là mục tiêu. Hãng thông tấn Iran Tasnim cho biết, Iran đã tấn công vào các thành trì của nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni Jaish al-Adl.
Tuy nhiên, Pakistan đã phản ứng gay gắt với cuộc không kích. Nước này chỉ trích vụ tấn công là hành vi "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tinh thần của quan hệ song phương giữa Pakistan và Iran". Bộ Ngoại giao Pakistan thậm chí đã triệu hồi Đại sứ tại Tehran (Iran) về nước, đồng thời đình chỉ các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước và không cấp phép cho Đại sứ Iran trở lại Islamabad (Pakistan). Tình hình càng phức tạp khi ngày 18-1, không quân Pakistan tấn công vào các địa điểm tại tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran, với cùng lý do là tiêu diệt khủng bố.
Cuộc không kích được Bộ Ngoại giao Pakistan mô tả là "một loạt các cuộc tấn công được phối hợp chặt chẽ và nhắm vào các mục tiêu quân sự cụ thể" đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Quân Giải phóng Balochistan (BLA), một nhóm ly khai Pakistan, cùng ngày khẳng định, các cuộc tấn công này đã gây thiệt hại cho người của họ, đồng thời cảnh báo "Pakistan sẽ phải trả giá”. Căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng đã buộc Thủ tướng tạm quyền Pakistan Anwaar-ul-haq Kakar cắt ngắn chuyến công du tại Thụy Sĩ để về nước.
Sau 48 giờ chiến sự, tình hình đã có phần lắng dịu với nỗ lực hạ nhiệt đến từ cả hai phía. Bộ Ngoại giao Iran ra thông báo, cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp với quốc gia láng giềng, trong đó sử dụng cụm từ “Chính phủ thân hữu và anh em” để mô tả chính phủ ở Pakistan. Thông báo cũng kêu gọi Chính phủ Pakistan ngăn chặn việc hình thành các căn cứ khủng bố chống Iran trên lãnh thổ của mình. Mặt khác, Tổng thống Pakistan Arif Alvi trong tuyên bố chính thức cũng khẳng định, Pakistan và Iran là hai quốc gia láng giềng anh em; hai nước cần xử lý mọi vấn đề tồn tại thông qua đối thoại và tham vấn.
Tuy vậy, giới quan sát vẫn e ngại, bất chấp những tín hiệu tích cực trước mắt, thực tế quan hệ giữa hai nước đang ở trạng thái căng thẳng nghiêm trọng. Quan điểm này có căn cứ, bởi đường biên giới chung trải dài khoảng 900km giữa Pakistan và Iran vốn đã đầy biến động, đặc biệt là với sự tồn tại của phong trào nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Những cuộc giao tranh với các lực lượng phiến quân vẫn thường xuyên diễn ra tại khu vực này. Việc hai nước có đối thủ chung nhưng bất ngờ căng thẳng là hết sức bất thường. Nhiều ý kiến nhận định, các cuộc tấn công mới nhất có thể là những vết rạn nứt đầu tiên, và nếu không được xử lý cẩn trọng có thể làm đổ vỡ mối quan hệ giữa hai nước vốn đã nghi ngờ nhau về các cuộc tấn công của phiến quân. Điều này đương nhiên cũng dẫn đến gia tăng bạo lực lan rộng ở Trung Đông, khu vực đang cực kỳ bất ổn bắt nguồn từ xung đột Israel - Hamas.
Thời điểm hiện tại, thế giới đặc biệt quan ngại về diễn biến mới giữa Iran và Pakistan. Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, Mỹ không mong muốn chứng kiến sự leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng nhấn mạnh, cả Iran và Pakistan cần kiềm chế hành động để kiểm soát tình hình. Trước sự leo thang căng thẳng giữa Iran và Pakistan, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ, nước này luôn chủ trương rằng, quan hệ giữa các quốc gia cần được xử lý phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước cần được tôn trọng, duy trì một cách hiệu quả.
Nhìn chung, dù căng thẳng chưa tới mức ngoài tầm kiểm soát, nhưng rõ ràng rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn. Giữa bối cảnh khu vực đang tràn ngập những yếu tố nhạy cảm luôn đe dọa sự ổn định mong manh, Pakistan và Iran - hai tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề ở khu vực Trung Đông - cần ưu tiên kiềm chế và duy trì đối thoại.
Gửi phản hồi
In bài viết