Những mạng xã hội với hàng triệu người tham gia vô tình tạo nên một rạp chiếu bóng hỗn độn, nơi có các khán giả nhí thu nạp thông tin, bắt chước theo những video có yếu tố ghê rợn, bạo lực được đăng tải trên các mạng xã hội lớn. “Con muốn xem iu thúp/Con muốn xem TikTok cơ”. Chỉ cần để con chịu ăn, ngoan ngoãn không la hét, không ít các bậc phụ huynh đành chiều theo sở thích của con. Hành động này vô tình tạo nên những thói quen xấu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khoa - Trưởng Khoa Thần kinh - Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, trẻ em nói chung đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển, chịu tác động lớn bởi môi trường sống và thói quen sống hàng ngày. Từ đó, sẽ góp phần hình thành thói quen và nhân cách của trẻ. Tất cả các video, hình ảnh, nội dung độc hại trên các clip theo cơ chế này, các em thuộc tuýp thần kinh trung bình, yếu, dễ dàng bị căng thẳng, lo âu khiến khả năng học tập bị giảm sút. Những em ở trong lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ bị thất bại trong học tập, nếu tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội, game, trào lưu bạo lực rất dễ bị thu hút gây ảnh hưởng đến tính cách của trẻ như: Thích gây gổ, tạo xung đột với những người xung quanh, thậm chí gần nhất là gia đình, bạn bè.
Hình ảnh quen thuộc trong các gia đình hiện nay.
Sử dụng mạng xã hội nói chung hay các thiết bị điện tử có kết nối Internet nói riêng với tần suất lớn khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh như: Thị lực kém và các bệnh về mắt. Trẻ thường xuyên nhìn vào màn hình, kề sát mắt vào màn hình, bức xạ từ các thiết bị sẽ tác động trực tiếp đến thị giác vốn đã yếu ớt của trẻ. Ngoài ra các video, clip có nội dung xấu sẽ khiến trẻ chậm phát triển, kém thông minh và hạn chế khả năng giao tiếp, khả năng cầm nắm điện thoại, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng học tập. Nặng hơn, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần. Bởi tất cả thời gian sử dụng Smartphone, máy tính bảng là yếu tố tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần.
Chỉ cần mở YouTube, gõ vài từ khóa, trước mắt trẻ hiện ra vô vàn video gợi ý với nội dung tương tự từ khóa tìm kiếm, nhưng không phải video nào cũng lành mạnh. Các em thậm chí còn thao tác thuần thục hơn người lớn trong tìm kiếm. Đi đôi với đó là khả năng ghi nhớ đều rất tuyệt vời. Chỉ có điều là trí thông minh đang được vận dụng sai cách.
Chị Trung Thị Vân, tổ 2, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang chia sẻ: “Nghỉ dịch đúng vào thời gian nghỉ hè, các cháu nhà tôi xem các chương trình trên YouTube, TikTok với thời gian kéo dài hơn so với lúc con đi học. Khi thấy các cháu xem nhiều, đầu óc mụ mị nên tôi đang hạn chế tối đa các cháu xem, bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý”.
Mạng xã hội - một rạp chiếu bóng khổng lồ với nhiều đầu video, clip sáng tạo, hữu ích vẫn đang tồn tại cả những nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị, rùng rợn... “Huấn Hoa Hồng” - đạo lý hay tục tĩu, “NTN” - ông vua thử thách ấu trĩ, hay gần đây các Youtuber trẻ như “Thơ Nguyễn”, “TIMMY Tv” đều đã bị các cơ quan chức năng xử lý do đăng tải những nội dung tiêu cực đến trẻ nhỏ. Những cá nhân này không phải những người tạo ra nội dung có giá trị giáo dục, truyền tải giá trị sống tích cực mà chỉ đơn thuần lợi dụng thị giác, tính tò mò của người xem để tạo ra video, clip có lượt view khủng, thu lợi nhuận bất chấp. Người giám hộ trực tiếp như gia đình, cha mẹ thì lại chưa thực sự ý thức được ảnh hưởng của các nội dung xấu đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Năm 2020, video hướng dẫn “thắt cổ không chết”, “thử thách Momo” đã khiến một bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong sau khi xem video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng và tò mò lấy chiếc khăn voan làm theo. Cũng theo dõi nội dung “thử thách Momo”, một bé trai 8 tuổi ở ấp Trà Cổ, tỉnh Đồng Nai được phát hiện bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun và đã không qua khỏi. Những sự việc đau lòng này dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc trẻ em bị nhiễm “độc” thông tin trên mạng Internet và trách nhiệm của người lớn.
Thạc sỹ Hà Thị Nguyệt - Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Tân Trào chia sẻ, trên thực tế tâm lý người mang tính phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội đối với sự phát triển của tâm lý. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta không thể cấm đoán con em xem các video trên mạng xã hội mà chúng ta phải coi đó là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển hiện nay. Tuy nhiên, có 3 vấn đề chính mà phụ huynh cần phải quan tâm. Thứ nhất, phụ huynh cần giám sát việc sử dụng mạng xã hội của con em mình bằng việc định hướng nội dung, kiểm tra nội dung con em mình xem, giám sát về thời gian sử dụng và phân tích những tác hại xấu của mạng xã hội đến sức khỏe, học tập, từ đó giúp các em có khả năng tự sàng lọc. Thứ hai, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con để làm bạn và chia sẻ với con, để cho trẻ em không cảm thấy cô đơn, nhất là trong độ tuổi dễ khủng hoảng ở tuổi dậy thì hoặc đầu THPT. Cuối cùng, một điều rất quan trọng, cha mẹ nên hướng các con vào những hoạt động lành mạnh. Bên ngoài những hoạt động của nhà trường, khi về nhà nên hướng các con vào hoạt động lao động, chia sẻ các công việc cùng các thành viên trong gia đình. Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, các hoạt động thiện nguyện để trẻ có cơ hội được học hỏi, hướng đến các giá trị tốt đẹp, biết trân quý cuộc sống. Khi trẻ bận rộn và có nhận thức tốt thì tự trẻ sẽ có “sức đề kháng” để vượt qua những cám dỗ trên mạng xã hội và biết phân tích đúng sai, rút ra bài học cho bản thân.
Sự nở rộ của các kênh mạng xã hội với nguồn thông tin phong phú khiến những đứa trẻ tò mò, thích thú khám phá. Xem như thế nào, xem bao nhiêu thì đủ là điều mà các phụ huynh cần lưu tâm và tham khảo từ các chuyên gia tư vấn tâm lý và sức khỏe. Yêu con là cùng con học và trải nghiệm, để mỗi trẻ em có một tuổi thơ ý nghĩa như bố mẹ các em đã từng có.
Gửi phản hồi
In bài viết