“Để giữ lá phổi xanh, chúng tôi không biết mệt”
6 giờ sáng, nắng đã ươm vàng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo De, xã Tân Trào (Sơn Dương) Đỗ Xuân Toại cùng 2 kiểm lâm viên ở trạm đi bộ hơn 400 mét từ trung tâm thôn Lũng Búng lên chòi canh lửa của trạm.
Gọi là chòi, nhưng nó kiên cố và cao lừng lững như một tòa nhà 5 tầng. Cán bộ kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm Sơn Dương Nguyễn Mạnh Hùng bảo, những người yếu tim lên đến tầng cao nhất của chòi là hoa mắt chóng mặt đấy.
Cán bộ Trạm Kiểm lâm Đèo Muồng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tuần tra, bảo vệ rừng.
Trạm trưởng Đỗ Xuân Toại bảo, chòi như này, mới đủ bao quát hết toàn bộ diện tích rừng của Tân Trào. Từ chòi quan sát, ngay cả những làn khói mỏng manh nhất cũng không thoát khỏi tầm mắt của những cán bộ kiểm lâm nơi đây. Những ngày nắng nóng cực điểm như vừa qua, để vượt hơn 400 mét đường rừng lên được đến chòi canh lửa là một thử thách không hề dễ dàng. Trạm Kiểm lâm Đèo De có 3 cán bộ, những ngày nắng nóng cao điểm này, ngày nào cũng thay phiên nhau tuần tra, quan sát từ chòi canh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ hỏa hoạn. Trạm trưởng Đỗ Xuân Toại bảo, cũng mệt, nhưng anh em không ai than phiền cả. Với chúng tôi, giữ được lá phổi xanh này là một mệnh lệnh. Mệnh lệnh này thôi thúc, không ai dám mệt, tất cả đều nỗ lực hết mình.
Rừng ở Tân Trào vẫn ngày ngày xanh thắm. Với người dân Tân Trào, rừng đã gắn với cuộc sống của họ suốt bao đời nay. Rừng bảo vệ làng mạc, rừng chở che cán bộ. Và với vai trò quan trọng nhường ấy, những người như anh Toại lại càng gắng gìn giữ và bảo vệ mỗi ngày. Còn gì thiêng liêng hơn thế. Với chính những cán bộ kiểm lâm nơi đây, đây không đơn thuần là công việc nữa mà là lẽ sống… Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, ngồi một mình trên chòi cao giữa đỉnh đồi, nhìn ra bao la rừng núi, anh Toại tự hào, khi thấy công việc của mình thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Tân Trào là một trong 8 xã của huyện Sơn Dương nằm trong nhóm những xã nguy hiểm về cháy rừng vừa được Chi cục Kiểm lâm thông tin cảnh báo. Gần như năm nào, xã cũng được cảnh báo trong nhóm nguy hiểm, nhưng chưa năm nào Tân Trào để xảy ra cháy rừng. Trạm trưởng Đỗ Xuân Toại cho biết, ngoài nỗ lực của anh em cán bộ kiểm lâm, thì nỗ lực rất lớn là sự hỗ trợ, cảnh giác từ phía người dân.
Bà con ở Tân Trào ai cũng đều yêu rừng, quý rừng, chính vì thế, bất cứ diễn biến nào, dù là nhỏ nhất, từ rừng, đều được bà con thông tin đến Trạm Kiểm lâm. Cán bộ nỗ lực, người dân cảnh giác, rừng ở Tân Trào bình yên, mướt xanh, góp phần bảo vệ làng bản, bảo vệ đồng bào nơi này suốt bao năm nay.
Cùng với Tân Trào, Tân Thanh, Ninh Lai, Thiện Kế, Trung Yên, Minh Thanh, Lương Thiện, Bình Yên là những xã được Chi cục Kiểm lâm dự báo nằm trong cấp nguy hiểm, thời tiết hanh khô kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương, ngay từ đầu mùa hanh khô, Hạt đã trang bị cho các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã hơn 200 bộ dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, Ban chỉ đạo cấp xã sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thường trực tại các khu vực trọng điểm để xử lý sự cố ngay khi phát hiện.
Dựa vào dân để bảo vệ rừng tốt nhất
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 36 xã được cảnh báo trong nhóm nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Trong đó, nhiều nhất là huyện Sơn Dương với 8 xã; Hàm Yên, Chiêm Hóa mỗi huyện 6 xã; Yên Sơn và Na Hang mỗi huyện 5 xã; huyện Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang mỗi đơn vị 3 xã.
Tại những xã này, Chủ tịch UBND và Ban chỉ đạo cấp huyện trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn. Lực lượng kiểm lâm và chủ rừng kiểm tra nghiêm ngặt các khu rừng trọng điểm, dễ cháy. Đồng thời lực lượng canh phòng phải thường trực tại các vùng rừng trọng điểm cháy, phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động, thông tin kịp thời khi có cháy rừng xảy ra để Ban chỉ đạo cùng cấp huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, không được để lửa lan tràn rộng.
Chòi canh lửa của Trạm Kiểm lâm Đèo De, xã Tân Trào (Sơn Dương) cao như một tòa nhà 5 tầng.
5 giờ sáng, Trưởng thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) Hoàng Văn Lai đã thức dậy nấu bữa sáng, rồi nắm cơm để chuẩn bị cho buổi tuần rừng. Những ngày nắng nóng cao điểm, Thượng Lâm là một trong 3 xã, thị trấn cùng với Khuôn Là, Lăng Can được dự báo nằm trong cấp nguy hiểm về cháy rừng.
Gần như ngày nào, các thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng của thôn Bản Bó cũng đảo qua rừng vài vòng. Trưởng thôn Hoàng Văn Lai bảo, thôn có 4 tổ chia nhau đi. 186 hộ dân, hộ nào cũng là thành viên của tổ nên gần như lúc nào cần là đều có người tuần rừng. Những chuyến tuần rừng vừa để ngăn chặn nguy cơ phá rừng, vừa ngăn chặn nguy cơ cháy rừng.
Anh Linh Văn Toản, cán bộ Hạt Kiểm lâm phụ trách xã Thượng Lâm chia sẻ, với địa bàn rộng hơn như này, có những chốt bảo vệ rừng, anh em phải đi bộ mất 2 ngày đường mới đến nơi, nếu không dựa vào dân thì khó bảo vệ rừng toàn vẹn lắm. Những chuyến tuần rừng, ngoài việc phát hiện, bảo vệ những nguy cơ gây hại rừng, anh em kiểm lâm cũng tranh thủ tuyên truyền đến bà con các chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng, cách xử lý thực bì để phòng cháy chữa cháy rừng.
Nguy cơ cháy rừng lớn nhất ở khu vực này chủ yếu từ việc đốt dọn, xử lý thực bì trước mỗi vụ trồng rừng. Cũng chính vì vậy, ngay khi phát hiện sự cố, người dân trực tiếp thông báo với cán bộ kiểm lâm và được hướng dẫn xử lý ngay tại chỗ, trước khi lực lượng kiểm lâm có mặt. Nhờ thế, nhiều năm nay, ở Thượng Lâm chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra. Các vụ việc ngay khi được phát hiện đều được xử lý kịp thời.
Anh Linh Văn Toản bảo, không chỉ ở Thượng Lâm, mà ở nhiều địa phương khác của Lâm Bình, những tổ tuần tra bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt, cùng với nhân viên tuần rừng, cán bộ kiểm lâm... quản lý, bảo vệ rừng tốt nhất. Như ở Xuân Lập vừa rồi, chính nhờ sự phát hiện và báo cáo kịp thời của người dân, mà những đốm lửa nhỏ từ xử lý thực bì chưa tốt lan ra đã được kịp thời dập tắt.
Nắng tháng bảy như thiêu đốt, dưới tán lá rừng lao xao, những người lính, người dân vẫn căng mình chống lại cái nắng, cái nóng để bảo vệ rừng khỏi lâm tặc, khỏi giặc lửa. Đâu đó trong chặng đường tuần rừng của Linh Văn Toản và những cán bộ kiểm lâm ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, là những chiếc nồi được để sẵn, sẵn sàng cho những bữa cơm vội vàng trong rừng. Với các anh, cứ sáng là đi, tối đến chỗ nào là đóng quân, ngủ chỗ đó, ngày mai lại đi tiếp. Dù vất vả, nhưng sau mỗi chuyến đi từ rừng trở về, ai cũng vui vì rừng vẫn màu xanh nguyên vẹn, mỗi giọt mồ hôi của các anh thấm xuống đất tiếp thêm sức cho rừng thêm xanh, khơi nguồn sống mới.
Gửi phản hồi
In bài viết