Cao Đường đang vào mùa gặt.
Mở đất
Theo các cụ cao niên trong thôn cho biết, Cao Đường nói nôm na là đường cao. Trước đây, có 5 hộ dân tộc Dao Áo dài xã Yên Thuận lên khai khẩn đất hoang. Nhưng không hiểu vì lý do gì ở một thời gian họ lại bỏ xuống núi, chắc do con đường đi lại gian nan quá, cuộc sống biệt lập. Năm 1978, ông Giàng Tả, người Mông ở xã Nam Sơn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cùng mấy người anh em họ hàng băng rừng đi tìm cây thuốc quý, họ bị lạc vào một thung lũng bằng phẳng, rộng lớn, hoang vu. Sau chuyến đi này ông Giàng Tả về họp họ, thống nhất di chuyển 8 hộ về Cao Đường sinh sống trên quê mới. Vì họ hy vọng vùng đất màu mỡ trên dãy Cham Chu này sẽ là sinh kế lập nghiệp lâu dài. Bước đầu tiên các hộ tổ chức làm nhà trình tường theo truyền thống, những mẻ đất cho vào khuôn gỗ giã chặt. Nhưng đất ở Cao Đường lại không bám vào nhau, công cuộc làm nhà trình tường thất bại. Cuối cùng họ chuyển sang làm nhà sàn cột gỗ, trên lợp lá.
Ngày di chuyển đã đến, đi đường xa hơn 100 km nên 8 hộ người Mông ở xã Nam Sơn không mang theo gì nhiều. Cái họ cần nhất là phải dắt được mấy con trâu lên núi. Qua hai ngày đi bộ cật lực họ đã đến được xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, Hà Giang nơi giáp ranh với thôn Cao Đường, xã Yên Thuận. Những người đàn ông to khỏe được giao nhiệm vụ phát cây, dọn lối để có thể dắt được trâu lên Cao Đường. Những con trâu mệt nhoài, thở phì phò cuối cùng cũng tới được đích. Tin về 8 hộ đang sống ung dung ở Cao Đường loan về xã Nam Sơn, một số hộ Dao Áo dài cũng tiếp tục theo chân về đây sinh sống.
Đồng chí Dương Minh Toàn, dân tộc Mông, làm Bí thư chi bộ thôn đã 22 năm, nay kiêm thêm chức trưởng thôn cho biết, thôn Cao Đường hiện có 83 hộ với 345 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông có 28 hộ, còn lại 55 hộ là dân tộc Dao Áo dài. Thôn có cánh đồng màu mỡ chạy dài trong thung lũng, theo khe núi với hơn 30 ha, xung quanh là rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Mấy năm trước chưa có đường bê tông, chưa có điện lưới quốc gia việc giao lưu với bên ngoài rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Mấy cô giáo được phân lên điểm trường Cao Đường khóc hoài, Ban Giám hiệu trường Mầm non, Tiểu học Yên Thuận phải tuyển giáo viên nam có tay lái vững giao phụ trách điểm trường Cao Đường. Có khi cả tháng các thầy mới xuống núi mua muối, mắm, cá khô, mỳ tôm một lần.
Niềm vui được mùa của người Dao Áo dài thôn Cao Đường.
Đường đi lại khó, hiểm trở, hoang vu nên nông sản ở Cao Đường làm ra không bán được. Những bó rau cải non mơn mởn, quả bí đỏ thơm lừng được dân băm ra nấu cho lợn. Nhà ông Thào Chận Sình có con lợn đen nuôi 6 năm cũng chả bán được, do ăn ngon nó nặng đến 3 tạ. Rủ người đụng cũng khó vì lợn to quá. Cuối cùng ông cũng phải thịt nó, bán rẻ cho người dân, mỗi người lấy hộ ông một chút. Số còn lại không bán được, ông Sình treo lên gác bếp hun khói ăn dần.
Cánh cửa đã mở
Năm 2019, đồng loạt đường bê tông, đường điện đã về được tới Cao Đường. Cả thôn như “bừng tỉnh” sau một giấc ngủ đông dài. Lác đác đã có những đoàn nhiếp ảnh gia, khách phượt tìm đến Cao Đường để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Dao Áo dài nơi đây. Họ trầm trồ trước những cây bách xanh, nghiến, chò chỉ, thông rừng cao lớn. Đêm đêm tiếng hú của đàn khỉ đuôi vàng vẫn vang vọng cả một cánh rừng. Vào buổi sáng du khách ấn tượng với những suối mây, rồi họ đi trải nghiệm đèo gió, hang quả na, hang rơi, cổng trời, suối ngầm. Du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã như như thịt lợn đen hun khói, trâu khô, gà đen, rau cải nấu canh gừng, bí đỏ luộc, măng xào, nộm bi chuối rừng, lá chua nấu canh cá chép ruộng, cào cào rang, rượu thóc men lá... Trong đó, không thể thiếu bát nước chấm muối ớt, giã lá rừng thơm, cay giàn giụa nước mắt. Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có 13 đoàn du lịch lên Cao Đường, xe ô tô 16 chỗ đã lên được.
Trong 14 thôn của xã Yên Thuận, Cao Đường có khí hậu khác hẳn. Do khí hậu lạnh nên Cao Đường không trồng được cây cam sành. Kinh tế chủ lực của thôn là trồng lúa, nuôi 200 con trâu, cộng với đàn lợn đen và đàn gia cầm hùng hậu. Rừng đặc dụng được phân cho người dân bảo vệ, quản lý. Có thể kết hợp trồng cây thảo dược sa nhân, lá khôi dưới tán rừng cho triển vọng lớn. Hiện nay HTX Rau -Thảo dược Cao Đường đã được hình thành với 7 xã viên, quy hoạch trồng 2 ha rau sạch su hào, bắp cải, cà chua, rau cải theo hướng canh tác hữu cơ.
Người Mông Cao Đường giữ gìn bản sắc để phát triển du lịch.
Nhận thấy Cao Đường có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, ẩm thực đặc sắc, huyện Hàm Yên đang có chủ trương quy hoạch Cao Đường trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn. Để làm được việc đó, Huyện ủy Hàm Yên chỉ đạo Đảng ủy xã Yên Thuận tăng cường 3 đồng chí gồm Phó Chủ tịch xã, Xã đội trưởng, Bí thư Đoàn xã lên sinh hoạt cùng với chi bộ thôn Cao Đường, nâng tổng số đảng viên lên 11 người. Việc cán bộ xã phụ trách thôn sẽ giúp Cao Đường đi đúng định hướng, phát triển nhanh, bền vững.
Việc đầu tiên trong các buổi họp thôn có cán bộ xã dự là tuyên truyền người dân bảo vệ nghiêm ngặt hệ động thực vật ở Cao Đường, nguồn nước sạch, canh tác theo hướng hữu cơ. Hạn chế làm nhà xây lợp mái tôn, tích cực bảo tồn những ngôi nhà sàn lợp lá, cánh đồng đẹp. Ông Lý Kim Thạch, dân tộc Dao Áo dài tâm sự “Vừa qua gia đình tôi cùng 5 hộ nữa trong thôn được xã, huyện mời đi tham quan cách làm du lịch homestay ở Hồng Thái (Na Hang), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La). Qua chuyến đi chúng tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích. Tôi về sửa sang lại ngôi nhà sàn. Tôi bảo với mọi người nếu ai đã lợp mái tôn rồi, thì mình phủ lá cọ lên trên, làm trần gỗ, ngôi nhà sẽ đẹp hơn đấy. Làm du lịch cộng đồng là phải bảo nhau, mỗi nhà một kiểu thì không thành đâu”.
Về hoa quả, ở Cao Đường có lẽ cây mận tam hoa là phát triển phù hợp nhất. Đang cầm cuốc giẫy cỏ vườn mận tam hoa nhà mình, anh Bàn Văn Quang, dân tộc Dao Áo dài khẳng định, sẽ tiếp tục về quê Hoàng Su Phì lấy thêm giống trồng cả vườn mận tam hoa. Nếu nhiều nhà trồng, vào mùa xuân hoa mận nở trắng thôn, đến mùa hái quả thì đỏ chín đầu cành. Như vậy, du khách sẽ rất thích, người dân cũng bán được sản phẩm nông sản sạch, tăng thêm thu nhập. Cùng với việc trồng mận, mấy ngày nay nghe tin quyết tâm làm du lịch của thôn, chị Thào Thị Dủa, dân tộc Mông đang vận động anh chị em tập hợp luyện tập biểu diễn khèn, kèn lá, vẽ sáp ong trên vải; trích đoạn cấp sắc, hát Páo dung, múa màng, thêu trang phục của người Dao. Đồng thời chia tổ hỗ trợ các gia đình nấu ăn khi có đoàn khách đông.
Rời Cao Đường trong bịn rịn. Nhìn những nụ cười đôn hậu, giản dị, chất phác, hồn nhiên, hiếu khách của người dân nơi đây. Tôi tin cánh cửa du lịch Cao Đường đã mở…
Gửi phản hồi
In bài viết