Thu hoạch lúa tại Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 4,2 triệu tấn, kim ngạch 2,65 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường nhiều biến động
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau một thời gian giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, thì hiện nay lại đang ở mức thấp so với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, những ngày đầu tháng 6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn Thái Lan khoảng 49 USD/tấn, thấp hơn Pakistan 14 USD/tấn.
Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là Philippines, Indonesia, Malaysia, Ghana, Trung Quốc. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Tính từ đầu năm đến ngày 23/5, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 là 3,82 triệu tấn. Năm 2024, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn.
Tuy nhiên, thông tin từ VFA cho biết, sản lượng lúa của các quốc gia nhập khẩu chính như Philippines, Indonesia cũng liên tục được điều chỉnh. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Philippines đặt mục tiêu sản xuất khoảng 20,88 triệu tấn lúa trong năm 2024, tăng so với mức ước tính 20,06 triệu tấn của năm 2023. Do đó, sản lượng gạo của Philippines tăng sẽ tác động đến lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Trong khi đó, tại Indonesia, nông dân cũng bắt đầu gieo hạt trước mùa khô như một phần trong nỗ lực tăng sản lượng và giảm nhập khẩu gạo. Năm 2023, điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra đã ảnh hưởng đến lượng mưa và sản lượng lúa gạo của nước này.
Thị trường tiềm năng khác của Việt Nam cũng đang giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu gạo là Trung Quốc. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 490.000 tấn gạo, giảm 64,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lũy kế xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2024 là 340.000 tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn đối với thị trường chung toàn cầu, trong “Báo cáo thị trường ngũ cốc” tháng 5, Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/25 đạt 523 triệu tấn, cao hơn 3 triệu tấn so với dự báo trước đó với dự đoán sự gia tăng sẽ xuất hiện ở các nước xuất khẩu hàng đầu, đặc biệt là ở khu vực Nam Á. IGC cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu niên khóa 2024/25 đạt 52 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước đó do nhập khẩu tăng từ người mua châu Á và châu Phi.
Tuy nhiên, phần lớn mức tăng lại đến từ việc tăng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Mỹ. Bên cạnh đó, tồn kho gạo toàn cầu niên khóa 2024/25 cũng được dự báo tăng, đạt 171 triệu tấn do dự trữ gạo của Ấn Độ dự kiến tăng. Điều này cũng có nghĩa là Ấn Độ có thể sẽ quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo sớm trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng 7/2023, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi basmati) nhằm bảo đảm nguồn cung và ổn định giá lương thực trong nước.
Cập nhật chính sách, điều tiết sản xuất, xuất khẩu
Có thể thấy, các thông số về sản xuất và xuất khẩu của cả thị trường nhập khẩu và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đều có sự biến động nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại gạo toàn cầu.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thương mại thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, thương nhân để có phản ứng chính sách và điều tiết hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp.
Đồng thời có các biện pháp phát triển thị trường, chương trình xúc tiến thương mại riêng đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. Ngoài ra, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu gạo nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, sẽ tập trung vào các vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ và chế tài xử lý cao mang tính răn đe nhằm giải quyết tình trạng thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo; sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hiệu quả trong thực thi chính sách…
Về phía các doanh nghiệp, cũng cần chủ động nắm bắt các thông tin từ các cơ quan chức năng và trao đổi trực tiếp với đối tác nhập khẩu gạo để cập nhật thông tin thị trường về nhu cầu số lượng, chất lượng... Thí dụ như tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), ưu thế thuộc về gạo có chỉ dẫn địa lý và chất lượng cao, nên các doanh nghiệp cần chú ý chủng loại gạo xuất khẩu, tập trung vào các loại gạo thơm, gạo đặc sản. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo thơm bình quân trong tháng 4 của Việt Nam vào EU ở mức 897 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung các loại gạo, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đạt 6,6 triệu USD, tăng 19,7% so với tháng 3/2024, nhưng giảm 13,2% so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 40,8 triệu USD, bằng 56,9% kim ngạch năm 2023 với sản lượng 44,8 nghìn tấn, đạt 43,2% sản lượng năm 2023.
Trong khi đó, tại Philippines, Tham tán thương mại Phùng Văn Thành cho biết, thị trường này khá ưa chuộng các loại gạo Đài thơm 8 và 5451 của Việt Nam. Hiện nay gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía nam do ngon cơm và giá cả phù hợp.
Ngoài ra, Việt Nam đang có ưu thế hơn các quốc gia xuất khẩu gạo khác vào Philippines như Ấn Độ, Pakistan nhờ các Hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam duy trì vị trí số 1 trong xuất khẩu gạo vào Philippines.
Gửi phản hồi
In bài viết