Nhiều cảnh báo và thiệt hại
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ước tính mỗi ngày, 1 người Việt Nam dành gần 7 giờ kết nối internet và dự đoán thời lượng này sẽ tiếp tục tăng lên, đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn. Trong khi đó, thống kê trên thế giới cho thấy, mỗi ngày có 900 cuộc tấn công mạng, phát hiện 40 điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; mỗi giây có 5 mã độc mới phát sinh…
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cũng cảnh báo, có hàng chục nghìn địa chỉ IP (sử dụng để nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng) của khách hàng, của các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước bị nhiễm mã độc. Đáng chú ý, các nhóm tin tặc tiếp tục lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tấn công mạng bằng cách gửi thông tin, tài liệu giả mạo nhằm phát tán mã độc.
Ở góc nhìn của đơn vị chuyên về an ninh mạng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng (Công ty An ninh mạng Viettel) Trần Minh Quảng thông tin, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với những cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi. Đã có gần 2.000 trang web giả mạo các tổ chức tại Việt Nam, trong đó riêng quý III-2021 phát hiện 692 trang web lừa đảo mà mục tiêu chủ yếu nhằm vào ngành tài chính - ngân hàng; gần 100 triệu hồ sơ dữ liệu bị khai thác, lộ lọt; hơn 100.000 tài khoản và mật khẩu trong hệ thống nội bộ trọng yếu của các tổ chức, doanh nghiệp bị đưa lên không gian mạng…
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp, tổ chức bị tấn công mạng trong 2 năm đại dịch Covid-19 chủ yếu là mã độc tống tiền, mã hóa dữ liệu. Các loại mã độc này ngày càng thông minh, có thể ẩn náu trên thiết bị, hệ thống trong một thời gian dài. Khi bị tấn công mạng, các doanh nghiệp, tổ chức bị mất thông tin quan trọng, không thể khôi phục được, thậm chí phải trả tiền cho tội phạm mạng để chuộc lại dữ liệu…
Phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng
Khuyến nghị về tình hình an ninh mạng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng (Công ty An ninh mạng Viettel) Trần Minh Quảng nhận định, các cuộc tấn công lừa đảo sẽ ngày càng xuất hiện nhiều, với cách thức tấn công tiên tiến hơn, đặc biệt là nhằm vào các hệ thống ngân hàng. Quy mô và mức độ thiệt hại của các sự cố rò rỉ dữ liệu ngày càng gia tăng; tấn công có chủ đích tiếp tục là "điểm nóng" tại Việt Nam. Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cần thích nghi và có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Để giảm thiểu rủi ro về tấn công mạng, ông Bùi Đình Giang, Phụ trách công nghệ thông tin, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) cho rằng, những đơn vị có hệ thống thông tin trọng yếu nên sử dụng thêm các giải pháp bảo mật trong quá trình làm việc từ xa của nhân viên, đồng thời chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức cho người sử dụng…
Cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho mô hình làm việc từ xa cũng là khuyến cáo của Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải triển khai xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng (2015). Người sử dụng internet cần thực hiện nghiêm túc các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và nâng cao ý thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng.
Thực tế, việc tạo lập niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số, đồng thời là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Vì vậy, định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông là “An toàn không gian mạng cho tất cả, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.
Với định hướng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 6 nhóm hành động cụ thể để bảo đảm an toàn không gian mạng. Đó là: Bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng số; bảo vệ dữ liệu số; bảo vệ hệ thống thông tin cơ quan Đảng, Nhà nước; bảo vệ hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng; xây dựng môi trường mạng an toàn; bảo đảm thông tin lành mạnh trên không gian mạng. Với mỗi nhóm này, Bộ đều đưa ra các nội dung công việc cụ thể cần triển khai.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ sẽ có chiến dịch phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân. Qua đó, hy vọng mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có nhận thức, phương thức thay đổi phù hợp để ứng phó với những thách thức trên không gian mạng trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết