Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Cầu hầm, Trường Đại học Giao thông - Vận tải Trần Đức Nhiệm và Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhậm, nguyên trưởng khoa Cầu hầm, Trường Đại học Giao thông - Vận tải, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kiểm định chất lượng công trình cầu), những người đã trực tiếp kiểm tra tại công trình và tính toán lại kết cấu các hạng mục công trình cầu khẳng định: Đối với kết cấu bê tông cốt thép thường, thậm chí với cả kết cấu bê tông dự ứng lực không toàn phần thì việc có thể xuất hiện vết nứt trên bê tông là bình thường, khá phổ biến trong điều kiện tác động trực tiếp của khí hậu nóng ẩm. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều công trình như cầu: Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng); cầu Bến Lức (Long An); cầu Trà Lý (Thái Bình)... và cầu Tình Húc cũng không phải là ngoại lệ. Các vết nứt từ 0,06mm đến nhỏ hơn 0,2mm tại xà mũ các trụ T1, T2, T7, T8, T11 và T12 cầu Tình Húc nguyên nhân là do ứng suất vùng chịu kéo của xà mũ các trụ đã đến giới hạn hình thành các vết nứt trong bê tông, vì thân trụ có bề rộng nhỏ để tăng độ thanh mảnh, mỹ quan. Vết nứt có độ mở rộng tương ứng với mức ứng suất kéo trong cốt thép chịu kéo của xà mũ khi chịu tác động của các tổ hợp tải trọng bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhậm, nguyên trưởng Khoa Cầu hầm, Trường Đại học Giao thông - Vận tải, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng trao đổi thẳng thắn về các vết nứt xuất hiện tại cầu Tình Húc (TP Tuyên Quang).
Giáo sư, Tiến sỹ Nhiệm và Thạc sĩ Nhậm khẳng định các vết nứt trên bê tông cốt thép thường tại xà mũ trụ T1, T2, T7, T8, T11 và T12 của cầu Tình Húc với bề rộng nhỏ hơn 0,2 mm là hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép theo các quy trình, quy phạm thi công, nghiệm thu hiện hành. Do đó hoàn toàn đảm bảo khả năng chịu lực theo trạng thái cường độ (không thể sập đổ), đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng theo tải trọng thiết kế (không có gì phải nghi ngờ về chất lượng).
Song để tăng tính an toàn cho công trình và phòng ngừa các vết nứt bị có thể mở rộng trong quá trình sử dụng, dưới tác động của điều kiện khí hậu nóng ẩm gây ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, sau khi tham vấn ý kiến từ các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực cầu hầm Việt Nam, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) đã chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án lập phương án thiết kế tăng cường sức chịu tải cho xà mũ trụ cầu để tăng thêm độ dự trữ về mặt an toàn kết cấu; đảm bảo chắc chắn về lâu dài các vết nứt không mở rộng.
Trong điều kiện tác động trực tiếp của khí hậu nóng ẩm, cốt thép không bị gỉ và đảm bảo tuổi thọ của công trình 100 năm bằng biện pháp mở rộng kích thước thân trụ, chủ yếu theo chiều ngang cầu nhằm giảm chiều rộng cánh hẫng xà mũ các trụ xuất hiện vết nứt, đây là phương án tối ưu nhất trong các phương án tăng cường gồm căng kéo tạo dự ứng lực ngoài; dán sợi các bon và mở rộng thân trụ. Đối với các vết nứt nhỏ, cục bộ chỉ định bơm keo epoxy trám vết nứt, sau đó dán phủ tấm sợi các bon CFRP khống chế được vết nứt.
Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên cao cấp Trần Đức Nhiệm, nguyên trưởng bộ môn Cầu hầm, Trường Đại học Giao thông - Vận tải khẳng định, hiện tượng xuất hiện vết nứt tại cầu Tình Húc (TP Tuyên Quang) không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và chất lượng công trình.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Nhiệm phân tích, khi thân trụ được mở rộng theo chiều ngang và cả một phần theo chiều dọc cầu, sơ đồ làm việc chịu tải và mặt cắt hình thành sức kháng của kết cấu xà mũ đều có sự thay đổi theo hướng được cải thiện tốt hơn. Cụ thể, chiều dài cánh hẫng theo sơ đồ tính được giảm bớt, theo đó nội lực và các hiệu ứng tải kéo theo được giảm đi, cùng với đó mặt cắt làm việc ở các vị trí xung yếu của xà mũ được tăng cường. Với hiệu ứng lực nhân đôi như vậy, khả năng chịu tải theo trạng thái giới hạn cường độ của các bộ phận kết cầu xà mũ được đảm bảo.
Kết quả tính toán, kiểm toán lại xà mũ các trụ sau khi tăng cường đã nâng cao độ dự trữ về mặt chịu lực, nâng cao điều kiện làm việc về đảm bảo khả năng chịu lực theo trạng thái cường độ, đảm bảo khai thác với tải trọng thiết kế HL93; khống chế hoàn toàn độ mở rộng vết nứt do đã giảm được ứng suất trong cốt thép xà mũ cũng được khống chế trong giới hạn cho phép (không còn xuất hiện vết nứt do độ mở rộng vết nứt rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường).
Thử trọng tải tại cầu Tình Húc trước khi bàn giao để đưa vào sử dụng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, các vết nứt trên các trụ cầu là hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép trong thi công các công trình xây dựng đối với bê tông cốt thép. Đặc biệt sau khi đã thực hiện các giải pháp tăng cường, cầu Tình Húc đã nâng cao độ dự trữ an toàn về mặt chịu lực, nâng cao điều kiện làm việc về đảm bảo khả năng chịu lực theo trạng thái cường độ, đảm bảo khai thác với tải trọng thiết kế HL93; khống chế hoàn toàn độ mở rộng vết nứt do đã giảm được ứng suất trong cốt thép xà mũ xuống mức nhỏ, người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng cầu Tình Húc.
Các giáo sư, tiến sĩ lĩnh vực cầu hầm nhấn mạnh, địa phương, ngành chuyên môn cần quan tâm và chú trọng công tác quản lý tải trọng xe, quan trắc và giám sát, bảo trì công trình, có như vậy các công trình mới bền vững lâu dài theo tuổi thọ thiết kế.
Cầu Tình Húc là công trình cấp 1 với tổng mức đầu tư hơn 803 tỷ đồng (không bao gồm cầu dẫn lên, xuống soi Tình Húc - chưa thi công). Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài toàn cầu là 907m áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, 5 trụ tháp, cáp dây văng, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật. Cầu Tình Húc kết nối trực tiếp phường Hưng Thành, phường An Tường với phường Nông Tiến với Quốc lộ 37, Quốc lộ 2 và trung tâm thành phố Tuyên Quang, giúp người dân thuận lợi giao lưu, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch; là điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại II.
Gửi phản hồi
In bài viết