Qua những lời kể của các nhân vật, cả trong nước và nước ngoài, nhà văn đã giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người còn nhỏ cho đến khi Bác ra đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng thành công. Được sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Làng Sen, nay là làng Kim Liên, xã Kim Liên, tỉnh Nghệ An, Bác đã sớm cảm nhận được nỗi đau mất nước; sự đau khổ của người dân khi mất đi tự do, độc lập, bị áp bức, bóc lột. Chính vì vậy, Bác đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng. Bác đi năm châu bốn biển để tìm hiểu vì sao nhân dân phải khổ, phải làm như thế nào để nhân dân được tự do, hạnh phúc?
Mỗi nhân vật mà nhà văn may mắn được gặp để hỏi về Bác đều thể hiện sự kính trọng, cảm phục sâu sắc đối với Người. Cảm phục một con người giản dị, nhưng là một nhân cách lớn. Từ cách nói chuyện, những việc Bác làm đều vì một mục tiêu cao cả, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội để nhân dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nói như luật sư người Anh Loseby, người đã cứu Bác khi Bác bị bắt ở Hồng Kông: “Tuy mới gặp người yêu nước họ Tống (Tống Văn Sơ là bí danh của Bác khi ấy) chưa đầy 20 phút, nhưng tôi rất có cảm tình. Tôi nhận ra đó là một tri thức lớn, hiểu sâu, biết rộng tình hình thế giới. Tôi thầm cảm phục ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên ấy...”.
Bác còn có tấm lòng yêu thương bao la, rộng lớn, dành sự quan tâm cho tất cả mọi người. Bác dạy nhân dân đánh giặc, phải biết giữ bí mật và bảo vệ những đồng chí đang hoạt động thì cách mạng mới thành công, bởi “có độc lập tự do, thì có tất cả”. Những lời dạy đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp mọi tầng lớp nhân dân một lòng đi theo cách mạng, bảo vệ cách mạng và vùng lên giành lấy độc lập, tự do khi thời cơ đã tới theo lời hiệu triệu của Bác.
Bác đã đi xa, nhưng những tình cảm lớn, nhân cách lớn của Người mãi là nguồn cảm hứng vô tận đối với các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch luôn đối xử với người với việc luôn luôn có lý, có tình…”.
Gửi phản hồi
In bài viết