Ruộng dâu tây của gia đình chị Thanh.
Đưa cây dâu tây từ núi xuống ruộng
Chị Thanh, sinh năm 1989, người thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP Tuyên Quang nhưng lấy chồng ở thị trấn Na Hang. Khi về làm dâu ở mảnh đất vùng cao này, chị may mắn được chứng kiến quá trình “chinh phục” cây dâu tây của chị Giàng Thị Sao (chị chồng của Thanh) trên đất núi. Làm cùng chị chồng, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây, chị Thanh vừa ước ao có những mảnh ruộng dâu tây chín đỏ của riêng mình. Cứ nghĩ đến những nụ cười, niềm vui của du khách khi đến trải nghiệm hái dâu tây là chị lại có thêm động lực, quyết tâm.
Trở về thành phố một thời gian, chị đi làm may ở Khu Công nghiệp Long Bình An, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhưng chị vẫn luôn khát khao thực hiện mô hình trồng dâu tây sạch kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm để cùng bà con nông dân quê mình phát triển kinh tế. Tháng 11-2022, chị Thanh mạnh dạn đưa mô hình trồng cây dâu tây trên núi cao về trồng dưới ruộng thụt. Điều mà trước đây chưa ai từng làm ở mảnh đất này.
Cây dâu tây bắt đầu cho thu quả.
Vì là ruộng thụt nên giai đoạn làm đất ban đầu gặp nhiều gian nan. Chị đầu tư gần 60 triệu đồng, thuê máy làm 3 sào đất, tạo luống cách luống khoảng một bàn chân, giúp nhanh thoát nước và khô đất. Nhưng khi hết nước, đất khô cứng lại như bê tông. Chị lại mất thêm nhiều công để tưới nước làm đất mềm, dùng cuốc băm nhỏ đất cho tơi rồi mới trồng cây được. Sẵn có mối quen về giống tốt ở Mộc Châu (Sơn La), chị mua 4.000 cây dâu tây, giống Hana của Nhật, với giá 12.000 đồng/cây về trồng. Đây là giống dâu chịu nhiệt, có thể trồng và ra trái ở những nơi có khí hậu nóng lên tới 40oC. Chị lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, dùng bạt nilong đen phủ gốc tránh mưa xối và giữ ẩm cho đất. Đồng thời, cắm các thanh tre dài chừng 1m, uốn cong để tạo vòm, phủ nilong hoặc lưới để che mưa, nắng, chắn côn trùng chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí phân bón cho cây cũng được sử dụng phân hữu cơ. Nhờ có sẵn kinh nghiệm 2 năm trồng, chăm sóc dâu tây nên chỉ sau 2,5 tháng, hơn 30 luống dâu tây của chị đã bắt đầu cho thu hoạch. Những lúc rộ nhất, chị hái bán được 10 kg/ngày, với giá từ 180.000 - 350.000 đồng/kg cho khách quen và bạn bè.
Chị Thanh chia sẻ, được sự động viên, ủng hộ của gia đình, chị đã quyết tâm làm và bước đầu thành công. Tuy mới chỉ trồng thử nghiệm ở diện tích nhỏ nhưng chị nhận thấy, cây dâu tây thích nghi và phát triển tốt với thời tiết và chất đất, cho quả to và ngọt đậm (nếu trời nắng). Cây cho thu hái liên tục, mỗi đợt cách nhau khoảng 7-14 ngày. Mỗi vụ dâu tây kéo dài từ cuối tháng 1 đến hết tháng 6. Tính đến bây giờ, chị đã bán được hơn 30 triệu đồng tiền quả. Ngoài ra, chị còn bán cả cây giống nếu khách có nhu cầu. Vừa trồng dâu tây chị vẫn đi làm may được.
Chị Phan Thị Thanh.
Mở ra hướng đi mới
Từ Km 9, Quốc lộ 2 hướng Tuyên Quang - Hà Nội, rẽ trái, men theo con đường thảm nhựa phẳng lỳ đến gần Nhà văn hóa thôn Tân Hải Thành, hỏi bà con ở thôn, bạn sẽ được chỉ đường đi tới ruộng dâu. Những ngày này, ruộng dâu tây đón từng đoàn khách đến trải nghiệm hái ăn ngay tại vườn và mua mang về. Những trái dâu tây chín đỏ mọng trên tấm nilong hoặc ẩn mình trong những tán lá xanh biếc tỏa ra mùi hương thơm lừng khắp không gian khiến du khách thích thú. Tiếng nói, tiếng cười làm rộn rã cả vùng quê.
Cầm trên tay giỏ dâu tây chín đỏ, chị Thanh chia sẻ, khách đến vườn trải nghiệm hái dâu, hái được bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu chứ không thu vé. Nhu cầu của khách đến hái trải nghiệm và mua dâu khá cao nhưng do diện tích còn nhỏ nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Nhiều khi khách đến trải nghiệm và hỏi mua mà không có quả để bán. Năm nay, chị đã bắt đầu tự nhân được cây giống. Sang vụ tới, chị dự tính sẽ trồng tăng lên 6.000-10.000 cây. Đồng thời quy hoạch lại ruộng dâu và đường tới ruộng dâu để du khách đến trải nghiệm hái dâu dễ dàng hơn.
Chị Thanh thu hái dâu tây.
Đồng chí Vương Văn Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Hải Thành cho biết, ban đầu, nhiều bà con trong thôn cũng xì xào, hoài nghi về tính hiệu quả của mô hình bởi cây dâu tây còn khá mới lạ với họ. Có thể họ đã từng ăn quả dâu tây nhưng chắc chắn nhiều người chưa từng nhìn thấy hình dáng của cây dâu tây bao giờ. Nhưng đến giờ, bà con đã rất yên tâm và tin tưởng về tính hiệu quả cũng như chất lượng của quả. Hiện nay, trên địa bàn thôn có 2 xứ đồng, với khoảng 1,5 ha đất khá phù hợp để trồng cây dâu tây. Một số bà con trong thôn cũng có dự định phát triển mô hình này tuy nhiên còn e ngại do thiếu nguồn nước tưới.
Đồng chí Phan Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Long đánh giá, so với trồng lúa, rau màu thì trồng dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Nhận thấy đây là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp để phát triển và nhân rộng trên địa bàn toàn xã, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã tổ chức cho cán bộ, hội viên ở các thôn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, nắm bắt nhu cầu của các hội viên để hướng tới nhân rộng. Xã cũng đã làm việc với Phòng Kinh tế thành phố để có hướng hỗ trợ chị Thanh về khoa học kỹ thuật và mở rộng mô hình, hướng dẫn các thủ tục để hỗ trợ chị vay vốn theo Nghị quyết 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.
Cầm trên tay những trái dâu tây xinh xắn, hít hà mùi hương thơm phức của nó, trong lòng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu lạ kỳ. Thầm nghĩ về hành trình trồng dâu tây của Chị Thanh càng cảm phục chị. Bằng cả trái tim yêu của mình, chị vun gốc, bắt sâu, che nắng, chờ từng ngày cây dâu lớn lên, ra hoa rồi kết trái. Để rồi chia sẻ những “trái tình yêu” ngọt ngào tới mỗi nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết