Cơ duyên
Anh Ma Công Tuệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thắng Đạt. |
Anh Tuệ kể, đầu năm 2021, một lần đi du lịch Quảng Bình cùng bạn bè, được tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ cây sâm bố chính, anh mê loại cây này luôn. Anh ở lại thêm 1 tuần để tìm hiểu về đặc tính của cây, giá trị sử dụng và thị trường. Sâm bố chính hay còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi là một sản vật quý có vị ngọt, tính mát, phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, hoa, rễ củ sâm mang lại tác dụng tuyệt vời trong y học như điều trị các bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, tiểu đường và giảm tác nhân gây ung thư.
Trở về nhà, nhiều đêm trăn trở với kế hoạch trồng sâm, anh học hỏi những chủ vườn đã tham quan, tham khảo qua Internet, anh nhận thấy khí hậu và chất đất của Na Hang đều khá tương đồng với các mô hình sâm được trồng trên cả nước như khí hậu ôn hòa, lượng mưa vừa phải, chất đất có độ màu phì nhiêu, dễ cải tạo…Nghĩ là làm, tháng 3 - 2022, anh mạnh dạn thế chấp căn nhà đang ở vay 500 triệu đồng của ngân hàng, đầu tư cải tạo 7.000m2 đất mượn của họ hàng tại thôn Nà Né, xã Thanh Tương để trồng sâm bố chính.
Anh kể: Thất bại đầu tiên khi làm mô hình là ươm hạt sai quy cách, ngày đó mua 4kg hạt hết 32 triệu đồng, do chủ quan anh ươm không qua quy trình xử lý ngâm ủ, một số vùi quá sâu cây không mọc được, sau 1 tháng anh hao hụt gần 1kg hạt, lại đúng lúc khan hàng. Khó khăn nối tiếp khó khăn, đến công đoạn cải tạo đất, tăng độ màu, cũng tự làm, sau khi làm xong, dùng máy đo các chỉ số của đất đều không đạt. Lúc đó cũng thất vọng nhiều, bởi số vốn bỏ ra quá lớn mà thất bại liên tiếp nếu tâm lý không vững là bỏ cuộc- anh chia sẻ.
Vì phải cải tạo lại đất nên quy trình trồng sâm lùi mất 1 tháng so với dự tính ban đầu, mãi đến tháng 3 - 2022, anh Tuệ mới bắt đầu trồng những lứa cây đầu tiên. Thế rồi, anh được các chuyên gia về sâm bố chính hỗ trợ, việc thuận hơn. Nắm vững quy trình chăm sóc, nắm vững đặc tính của cây, mỗi công đoạn đều được anh ghi chép tỷ mỉ, truyền đạt đến những người trực tiếp chăm sóc. Không phụ công người trồng, cây sâm bố chính hợp thổ nhưỡng lớn nhanh, đến tháng 5 đã cho lứa hoa đầu tiên, trung bình mỗi ngày thu hái khoảng 40kg hoa tươi, sau khi mang sấy thành phẩm sẽ được 2kg hoa khô và có giá trên thị trưởng khoảng 3,5triệu đồng.
Anh Ma Công Tuệ (bên trái) đang trao đổi kỹ thuật về cách khai thác hoa sâm bố chính.
Là người sát cánh cùng anh Tuệ từ những ngày đầu đưa cây sâm về đất Thanh Tương, anh Ma Công Đoàn, thành viên HTX chia sẻ: Cây sâm bố chính tưởng dễ nhưng thật không đơn giản, hoa cho hàng ngày nhưng nếu không hái kịp thì hoa sẽ tàn, phân hủy và làm chua đất, ảnh hưởng đến năng suất cho củ của cây. Thêm nữa, giống sâm bố chính dễ mắc bệnh vàng lá, thối nhũn, mưa nhiều nếu không có phương án phun chế phẩm phòng thì sẽ mắc bệnh vàng lá và lây lan rất nhanh, có thể mất trắng.
Trăn trở
Cây sâm bố chính được biết đến là thảo dược quý, được tận dụng từ củ đến thân lá và hoa. Anh Tuệ bảo, mình làm mô hình cũng có nhiều công ty thức ăn chăn nuôi đến đặt mua thân lá sau khi khai thác củ, theo quy trình họ sẽ về sấy khô, nghiền nhỏ làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng cho các mô hình nuôi gà sâm, lợn sâm…Các sản phẩm trên sẽ được bán ra như món hàng đặc sản. Tiềm năng lớn thế nhưng theo được với cây thì không phải dễ.
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Thế, chuyên gia về cây sâm bố chính, Công ty Bảo dược Nhất Tâm được biết: Sâm bố chính chu kỳ khai thác 1 năm 1 lứa củ và đòi hỏi 1 quy trình trồng khắt khe, tưới nước theo giờ, bón phân theo chu kỳ và đặc biệt mọi thứ phải sạch. Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Hiện nay, trên thị trường, mỗi cân củ sâm tươi khi khai thác có giá từ 200 đến 700 nghìn đồng tùy từng kích thước củ. Tham khảo tại nhiều địa phương trong cả nước, trên diện tích 1.000 m2 đất trồng, sau 1 năm người dân thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Ngoài những tác dụng về dược liệu, cây sâm bố chính cũng đang sản phẩm hấp dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Chỉ tay về vườn sâm hoa đang độ hoa đỏ rực, anh Tuệ chia sẻ: Cách đây đúng 1 năm, trên mảnh đất này chỉ trồng ngô và cỏ voi, hiệu quả chả được bao nhiêu, thế mà giờ đã là vườn sâm bố chính đang độ thu hoạch, hiệu quả mang lại chỉ tính nguyên khai thác hoa hàng ngày đã gấp nhiều lần trồng cây khác.
Anh Vy Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết: Ngành Nông nghiệp huyện rất quan tâm đến mô hình trồng sâm bố chính tại xã Thanh Tương. Đánh giá các đặc điểm sinh trưởng hiện nay cây sâm đang rất nhiều triển vọng để áp dụng trên diện rộng. Lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo ngành Nông nghiệp sát cánh cùng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thắng Đạt để làm thành công mô hình, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch Na Hang gắn với nông nghiệp.
Giám đốc Ma Công Tuệ mong muốn sâm bố chính sẽ được trồng nhiều hơn trên mảnh đất Na Hang để gắn kết với phát triển du lịch. Khu hình thành vùng trồng sâm, du khách buổi sáng sẽ hái hoa pha trà, nấu các món ăn với sâm, vừa dễ ăn rất lạ miệng, lại có sản vật mang về làm quà. Hiện anh Tuệ đang nỗ lực giữ hạt sâm để nhiều người dân dễ tiếp cận và trồng được trên đất của gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết