CCHC bám sát thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

- Sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành, phố.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn chủ trì phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng.

Trong đó: Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022. 

 Các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 64 nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong Kế hoạch hoạt động năm 2024, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ. Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 3.009 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 2.870 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC đã đề ra.

Tính đến tháng 6/2024, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 40,36% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 44.10% so với kế hoạch đề ra.

Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC.

Tại phiên họp, các đại biểu đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải quyết TTHC, đồng thời đề xuất, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để giải quyết, xử lý khắc phục các hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực cải cách TTHC để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố dự phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Trong đó, một số cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Một số bộ, ngành còn chậm trễ trong việc ban hành quyết định công bố TTHC dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc công bố, niêm yết, công khai TTHC. Một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ về thời hạn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết còn nhiều...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đẩy mạnh việc rà soát tháo gỡ vướng mắc rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách, đơn giản hóa TTHC với chuyển đổi số; tăng cường đối thoại chia sẻ, xử lý vướng mắc vướng mắc bất cập cho người dân và doanh nghiêp trong việc rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong chi tiêu.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; gắn kết chặt chẽ giữa cải cách, đơn giản hóa TTHC với chuyển đổi số. Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục