Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm

- Trong những kỳ họp gần đây của UBND tỉnh, một vấn đề nhức nhối liên tục được nhắc đến: tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm. Trong bối cảnh đất nước đang có những biến động, thay đổi nhanh chóng, việc cán bộ né tránh trách nhiệm không chỉ làm chậm trễ công việc, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Đây không chỉ là một vấn đề nội bộ, mà còn là một rào cản lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong bối cảnh đất nước đang có những biến động và thay đổi nhanh chóng. Báo Tuyên Quang có loạt bài: "Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm".

Bài 1: "Bắt bệnh" sợ sai, sợ trách nhiệm

Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta xác định: Cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân và có trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, ở không ít nơi, cán bộ, công chức lại co cụm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. “Căn bệnh” này khiến việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Muốn có địa vị cao, nhưng sợ trách nhiệm

Căn bệnh "sợ trách nhiệm" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lúc sinh thời. Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến căn nguyên của căn bệnh "sợ trách nhiệm" một cách rất cụ thể: "Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm".

Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: "Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng".

Trong cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh" - xuất bản vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/2023) - trích đăng một số bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản, trong đó có những bài của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết cách đây gần 50 năm về bệnh sợ trách nhiệm, cũng đã chỉ rõ căn bệnh sợ trách nhiệm và những biểu hiện của nó: "Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm".

Lãnh đạo huyện Sơn Dương chủ trì tiếp công dân.

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm đang trở thành một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cấp cơ sở, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thậm chí là thờ ơ trước những vấn đề cấp bách của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Huân, tổ 4, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), đã mòn mỏi chờ đợi suốt nhiều năm để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 04/6/2009 của UBND huyện Yên Sơn, gia đình ông được giao đất để bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37.

Tuy nhiên, sau nhiều  năm chờ đợi, quyền lợi của gia đình ông Huân vẫn chưa được giải quyết. Quá bức xúc, ông đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, thậm chí phải "kêu cứu" lên Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Huân bày tỏ: "Gia đình tôi đã chấp hành chủ trương của Nhà nước, giao đất để phục vụ dự án. Vậy mà đến nay, quyền lợi chính đáng của chúng tôi vẫn chưa được đảm bảo. Tôi không hiểu vì sao một việc đơn giản như vậy lại kéo dài lâu?".

Tương tự, vụ việc tranh chấp đất giữa gia đình ông Đinh Quang B, thôn Đồng Tâm và gia đình ông Đàm Xuân V, thôn Đồng Lạnh, ở xã Tân Thanh (Sơn Dương) cũng rơi vào tình trạng "treo" kéo dài. Ông B. đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, dẫn đến mâu thuẫn âm ỉ kéo dài. Ông B. đã gửi đơn lên Chủ tịch UBND tỉnh để mong được giải quyết. 

Sự chậm trễ kéo dài

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 2.200 số vụ việc kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, còn 235 vụ việc đang xem xét, giải quyết. Toàn tỉnh thực hiện tiếp công dân 3.426 lượt với 3.460 lượt công dân, 3.413 vụ việc. Tại các buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, không khó để nhận thấy những vụ việc lẽ ra có thể giải quyết dứt điểm ở cấp xã, cấp huyện lại bị "đẩy" lên cấp trên.

Điển hình như các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư như: vụ việc tranh chấp đất đai của Ông Hoàng Công Tiến, thôn Bảo Ninh và ông Lê Đức Lành, thôn Làng Tói, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Hay vụ việc thu hồi đất kéo dài của 3 hộ gia đình ông Nguyễn Phi Hùng, bà Ngạc Thị Dung và bà Hoàng Thị Tiến, tổ dân phố Vĩnh Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) để xây dựng Cầu Chiêm Hóa. Thế nhưng, sau nhiều năm, việc giao đất tái định cư vẫn chưa được thực hiện… Đây chỉ là một trong số những vụ việc, đơn thư được Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chuyển về cấp huyện giải quyết.  

Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Các vụ việc khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  Tuy nhiên, vẫn còn  một số vụ việc, đơn thư chưa được giải quyết kịp thời. Nguyên nhân do trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số ngành, địa phương còn hạn chế so với yêu cầu công tác; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu tại cấp huyện nhưng lực lượng thanh tra huyện còn mỏng dẫn đến bất cập giữa khối lượng công việc và số lượng người thực hiện…

Tình trạng này cũng được phản ánh rõ qua các cuộc giám sát của HĐND tỉnh.  Nhiều vụ việc tồn đọng, chậm trễ trong giải quyết kiến nghị cử tri kéo dài từ năm này qua năm khác. Điển hình như kiến nghị về việc sớm giải quyết thủ tục để Công ty cổ phần kim loại màu Tuyên Quang giao lại đất cho địa phương quản lý và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đang ở tại khu vực Mỏ Antimon, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa).  

Qua giám sát cho thấy, nội dung này cử tri đã kiến nghị từ sau kỳ họp thứ 2 (tháng 8/2016), kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVIII (tháng 8/2020) và tiếp tục kiến nghị tại kỳ họp thứ 2 (tháng 7/2021), kỳ họp thứ 5 (tháng 12/2022) HĐND tỉnh khóa XIX. Tại thời điểm giám sát kiến nghị trên chưa được giải quyết dứt điểm (sau hơn 8 năm). Theo báo cáo giám sát và UBND huyện Chiêm Hóa, tại khu vực Mỏ Antimon, thôn Đầm Hồng 3 có 125 hộ dân sinh sống trên diện tích 39.347 m2. Nguồn gốc đất do Xí nghiệp luyện kim màu Thái Nguyên quản lý từ những năm 1970 và giao cho các hộ sử dụng từ năm 1996.

Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý về ranh giới sử dụng đất của mỏ giai đoạn 1960 - 1989 không đầy đủ. Đến năm 1989 - 1996, bản đồ xác định ranh giới mỏ lại nằm ngoài phần đất 125 hộ dân đang sử dụng. Do đó, đất của 125 hộ dân không thuộc quản lý của mỏ và không phải thu hồi. Các hộ này sử dụng đất ổn định, phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đoàn giám sát ghi nhận khó khăn của UBND xã Ngọc Hội trong việc tìm kiếm hồ sơ cũ. Đoàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn công ty hoàn thiện thủ tục trả đất cho huyện quản lý, từ đó lập phương án giao đất và cấp sổ đỏ cho người dân.

Phản ánh tới Báo Tuyên Quang, chị Nguyễn Thị T, thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) bức xúc, con suối qua cầu Luộc bị ô nhiễm đã nhiều năm nay. Tại các buổi họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm lên chính quyền địa phương, nhưng không được giải quyết triệt để. Tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương về tình trạng này, họp thôn rồi tiếp xúc cử tri cũng đều nhắc đến, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có biện pháp xử lý triệt để. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân”. Chị T. chia sẻ.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh, đây chỉ là 1 trong số những vụ việc giải quyết lâu, không dứt điểm. Vẫn còn vụ việc tồn đọng, chậm trễ trong giải quyết kiến nghị cử tri kéo dài từ năm này qua năm khác. Sự chậm trễ này xuất phát từ khó khăn về nguồn lực; cơ chế kiểm soát, giám sát đôi khi còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, khiến cán bộ lo ngại "vướng" vào các quy trình, thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, một số cán bộ còn thiếu sự chủ động, sáng tạo, quen với lối làm việc an toàn, "dĩ hòa vi quý", dẫn đến tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc…

"Bắt bệnh" né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm không chỉ là vấn đề của cá nhân cán bộ mà còn là "căn bệnh" nguy hiểm, bào mòn niềm tin của nhân dân, làm chậm bước tiến của sự phát triển của đất nước. Nếu không được chữa trị kịp thời, "căn bệnh" này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

(Còn tiếp) 

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục