Chàng trai một tay nuôi đuông dừa

- Sau vụ tai nạn lao động, anh Nguyễn Khánh Đức, thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú (Hàm Yên) mất đi một cánh tay. Không đầu hàng số phận, anh chọn nuôi đuông dừa tạo nguồn thu nhập trang trải chi phí chữa bệnh cho mẹ và chăm sóc người chị gái bị thiểu năng trí tuệ, viết nên câu chuyện đời bằng nghị lực phi thường.

Nghị lực như ngọn núi

Về thôn Làng Chiềng,  chúng tôi nghe nhiều người dân kể về nghị lực phi thường, vượt lên số phận của chàng trai khuyết tật Nguyễn Khánh Đức. Bố mất sớm, mẹ lại đau ốm quanh năm, người chị gái bị thiểu năng trí tuệ, Đức trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình.

Trong cái nghèo, cái khó anh phải dừng lại việc học khi mới hết lớp 10, rồi anh đi làm thuê làm mướn, ai bảo gì anh làm nấy không nề hà việc khó, việc khổ, kiếm từng bữa ăn cho gia đình. Bão giông cuộc đời tiếp tục ập đến, vụ tai nạn lao động xảy ra năm 2019 khiến anh mất một cánh tay, cuộc sống khốn khó tiếp tục đè nặng lên chàng thanh niên trẻ.

6 năm qua, nỗi đau mất đi cánh tay tưởng như đã nguôi ngoai, nhưng mỗi lần nhắc lại Đức lại rơm rớm nước mắt. Anh kể: “Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Tiếng máy xẻ gỗ rít lên, rồi một cơn đau buốt óc... Tôi nhìn xuống, không tin vào mắt mình. Tay tôi không còn nguyên vẹn.

Anh Nguyễn Khánh Đức.

Cả người tôi tê dại, ngất lịm đi. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, tương lai hiện ra trước mắt tôi mờ mịt, đầy những câu hỏi không lời đáp. Tôi sẽ sống thế nào đây? Tôi còn có thể làm được gì? Nỗi sợ hãi bủa vây, nhấn chìm tôi trong bóng tối. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến chị gái, tôi cố gắng sống, không sợ hãi”.

Vừa mở những chậu đuông dừa đầy ắp xơ đến tận miệng chậu, anh Đức vừa chỉ vừa giới thiệu và chia sẻ về quá trình đến với mô hình nuôi đuông dừa như hiện nay của mình. “Tôi bắt đầu nuôi đuông dừa từ tháng 4-2023. Cơ duyên đến với mình rất đơn giản thôi. Do tôi và mấy anh em trong thôn thích ăn nhộng cọ đi gõ mãi cũng hết và cũng không có sức khỏe đi tìm như vậy, thấy đuông dừa cũng tương tự nhộng cọ nên tôi mua giống đuông dừa về làm để ăn, sau dần bén duyên tự mày mò gây giống bán”, anh Đức bộc bạch.

Với số vốn ít ỏi ban đầu anh Đức đặt mua con giống (là con bọ cánh cứng) về rồi xin từng cái xơ dừa bỏ đi của các quán nước, từng củ sắn, cây chuối của bà con trong thôn để nuôi giống. Nhưng mọi thứ đều khó khăn, sức khỏe yếu, kinh nghiệm non nớt khiến toàn bộ số giống đuông bị thất thoát, rồi anh tự mày mò học hỏi trên sách, báo và internet cứ thế kinh nghiệm rút dần trong quá trình nuôi đến nay, đuông dừa gần như không bị bệnh tật gì cả mà lại phát triển rất tốt.

Giờ đây, đuông dừa được anh Đức nuôi trong các chậu nhựa rồi được đậy lại cẩn thận bằng tấm nắp có khe hở nhỏ để giữ độ ẩm tránh nhộng bò ra ngoài. Hiện anh đang có khoảng gần 50 chậu nuôi.

Anh Đức tự quay video về quá trình chăm sóc đuông dừa và đăng tải lên mạng xã hội.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, anh Đức cho biết: “Thức ăn của đuông gồm vỏ quả dừa, củ sắn, thân chuối, bột ngô, cám gạo. Trong đó, vỏ quả dừa là chiếm phần lớn. Tất cả trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ nhất định đảm bảo đuông cọ được cung cấp đủ dinh dưỡng. Thời gian nuôi đuông dừa rất ngắn, chỉ khoảng 20 - 25 ngày là có thể thu hoạch được tùy theo thời tiết. Đặc biệt, cần chú ý vào mùa lạnh cần phải quây bạt kín xung quanh khu vực nuôi, đồng thời sưởi bằng bóng đèn để tránh rét cho nhộng”.

“Đức nó nghị lực lắm. Dù khó khăn thế nào nó cũng không bỏ cuộc. Ai nhìn vào cũng thương và khâm phục nó. Tôi mua 200 đôi giống đuông dừa của cháu từ tháng 6-2024 về nhà nuôi được 20 chậu, cháu Đức còn đến tận nhà tỉ mỉ hướng dẫn tôi, đến nay đuông dừa nhà tôi nuôi đều phát triển tốt”, bà Thiều Thị Nguyên, thôn 7 Thống Nhất, xã Yên Phú nói.

Không chỉ dừng lại ở công việc hiện tại, anh Đức còn ấp ủ những dự định lớn hơn. Anh mơ ước có thể mở rộng quy mô, hướng dẫn mọi người nuôi đuông dừa kiếm thêm thu nhập cho những người có hoàn cảnh khó khăn giống như mình.

Trở thành người “số” ở làng

Mạng xã hội với sức lan tỏa mạnh mẽ, đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đức. Anh chia sẻ bản thân may mắn được tiếp cận mạng xã hội từ trước khi biến cố xảy đến. Tập tành kinh doanh cho đến khi tận dụng mạng xã hội để buôn bán.

Anh tự mình quay video về quá trình chăm sóc đuông dừa, thu hoạch đuông. Những bài đăng trên Facebook của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đặt hàng của anh từ khắp trong và ngoài tỉnh như Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,… thậm chí có người trong Đắk Lắk xem những video ý nghĩa, khâm phục trước nghị lực của anh đã tìm đến tận nơi để gặp và mua giống. Với giá bán khoảng 10.000 - 15.000 đồng/đôi giống, bình quân hàng năm anh bán được 15.000 - 20.000 đôi giống, thu khoảng 100 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Khánh Đức giới thiệu về mô hình nuôi đuông dừa của mình.

Không chỉ nỗ lực phát triển mô hình kinh tế nuôi đuông dừa, anh còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của Đoàn, anh là một Phó Bí thư Chi đoàn nhiệt huyết của thôn Làng Chiềng. Hình ảnh anh cần mẫn hỗ trợ các phong trào thanh niên, từ chuẩn bị hậu cần đến trực tiếp đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Anh Mạc Đông Đại, Bí thư Đoàn xã Yên Phú cho biết: “Anh Nguyễn Khánh Đức luôn nhiệt tình tham gia mọi hoạt động Đoàn, từ sinh hoạt Chi đoàn đến các phong trào thanh niên của xã. Đồng thời, với mô hình nuôi đuông dừa của anh Đức đã khơi dậy được niềm tin, nghị lực vượt lên chính mình để các đoàn viên, thanh niên yếu thế khác có động lực học hỏi vươn lên.

Thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục động viên, duy trì và có các giải pháp hỗ trợ thanh niên yếu thế trên địa bàn phát triển thêm những mô hình phù hợp để giúp họ lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống”.

Mai Dung

Tin cùng chuyên mục