Anh Cháng A Linh.
Từ nhỏ, anh Linh đã gắn bó với việc chăn nuôi trâu, bò. Trước đây, do tập quán chăn thả rông nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và đi học kinh nghiệm ở trong, ngoài huyện nên anh Linh chuyển sang chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo từ năm 2019. Ban đầu ít vốn, anh chỉ nuôi 1 đến 3 con trâu, bò vỗ béo. Quá trình nuôi anh tự tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Anh nhận thấy, cách chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo phù hợp với điều kiện gia đình mình. Cách nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh, rủi ro thấp, chi phí thấp vì thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là cỏ trồng được hoặc đi cắt ở rừng.
Đầu năm 2020, thông qua tín chấp của Hội Nông dân xã, anh Linh mạnh dạn vay 100 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội về xây thêm chuồng, thuê 5.000 m2 đất trồng cỏ, mua thêm trâu về nuôi. Để có nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi, anh Linh tích cực trồng thêm ngô vụ đông, tích trữ rơm, cỏ, ngọn mía, cây ngô dùng máy băm nhỏ ủ chua làm thức ăn cho trâu. Nguồn phân trâu, bò được anh ủ để bón cho cỏ voi giúp tiết kiệm tối đa chi phí phải mua phân bón.
Anh Cháng A Linh chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Anh Linh chia sẻ, sau mỗi lứa nuôi có lãi, anh lại tái đầu tư tăng quy mô đàn trâu dần lên. Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, mỗi lứa anh duy trì nuôi từ 6 - 8 con trâu vỗ béo, mỗi năm nuôi được 2 lứa. Mỗi con trâu bán lãi 10 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Khi trâu đủ tiêu chuẩn xuất bán, anh chỉ cần gọi điện thương lái đến tận nhà mua. Do trâu chỉ nuôi bằng cỏ, uống nước sạch, không chăn cám tăng trọng nên luôn bán được giá cao.
Dự kiến giữa năm 2022, anh sẽ tăng quy mô lên nuôi 12 - 14 con trâu/lứa tăng thu nhập, có tích luỹ dùng để tu sửa lại nhà cửa, phấn đấu thoát nghèo và nâng cao đời sống.
Gửi phản hồi
In bài viết