Phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh Duy Linh)
Theo kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an; và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và kết thúc toàn bộ phiên chất vấn.
Thành phần dự gồm Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của Quốc hội tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành; tham gia, cho ý kiến về những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành các nội dung tại phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh Duy Linh)
Ngoài ra có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đại biểu Quốc hội tại địa phương tham dự phiên chất vấn thông qua truyền hình trực tuyến.
Về nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn, trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hai nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn.
Cụ thể, với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, tập trung các nội dung về công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.
Các nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm khác là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Công an, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, với các chủ đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.
Những nội dung khác cũng được quan tâm chất vấn tại phiên họp về công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Lãnh đạo Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chủ động nghiên cứu những vấn đề liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn; tham dự đầy đủ các phiên chất vấn và tích cực tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ và các Trưởng ngành.
Quang cảnh phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh Duy Linh)
Lãnh đạo Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì chuẩn bị các nội dung phục vụ cuộc họp của lãnh đạo Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị cho phiên chất vấn; chủ trì, phối hợp Hội đồng, Ủy ban, các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp; tiếp nhận, tổng hợp nội dung chất vấn và chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội đến người bị chất vấn theo quy định.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.
Tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng, thành phần tham dự gồm thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo Kế hoạch phiên họp này, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết