Châu Á đã vượt châu Âu về số ca mắc Covid-19

Tính đến 6h ngày 8-6, thế giới có 174.357.441 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.751.407 trường hợp tử vong. Châu Á đã vượt châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.


Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Philippines.

Châu Á

Tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Macao quyết định siết chặt quản lý khu giáp ranh với tỉnh Quảng Đông trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại tỉnh này. Theo Trung tâm Điều phối và đối phó với vi rút SARS-CoV-2 của Macao, bắt đầu từ 10h ngày 8-6, tất cả những người muốn qua lại giữa Macao và Quảng Đông phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ. Trong thời gian tới, những người qua lại giữa hai khu vực này cũng có thể sẽ cần trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Okinawa của Nhật Bản bắt đầu đóng cửa nhiều trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 ở trẻ em. Biện pháp này có hiệu lực đến ngày 20-6 tới, cùng thời gian với lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Okinawa. Chính quyền Okinawa quyết định như trên sau khi tỉnh ghi nhận các ổ dịch ở nhiều trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em.

Tại ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tiếp tục "hạ nhiệt", khi số ca mắc Covid-19 mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.

Tại Philippines, dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày cũng đứng thứ ba toàn khối. Trong tuần này, Philippines sẽ mở đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho khoảng 35 triệu người lao động, trong đó có nhân viên giao thông công cộng. Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez nhấn mạnh, việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho nhiều người sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy việc mở cửa lại nền kinh tế.

Tại Malaysia, nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần qua.

Thái Lan vẫn quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch do số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đã giảm khá nhiều.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này cho biết, đã ghi nhận 100.636 ca mới mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 62 ngày. Trước thực tế là số ca nhiễm mới đã giảm mạnh từ mức cao điểm hơn 400.000 ca/ngày hồi đầu tháng 5, thủ đô New Delhi cũng như nhiều thành phố khác đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để từng bước nối lại hoạt động đi lại và kinh doanh. Nhiều thành phố lớn tại Ấn Độ đã mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.

Thủ tướng Narendra Modi cũng tuyên bố, chính phủ liên bang sẽ cung cấp vắc xin Covid-19 miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng 6 này, trong nỗ lực đảo chiều đại dịch vốn đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người ở quốc gia Nam Á này.

Châu Âu

Tây Ban Nha bắt đầu mở cửa biên giới cho tất cả những người đã được tiêm chủng, với kỳ vọng hồi sinh lĩnh vực du lịch sau những tổn hại mà đại dịch Covid-19 gây ra. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias khẳng định, Tây Ban Nha là điểm đến an toàn và đang trong tiến trình tái khẳng định "ngôi vương" ngành du lịch của thế giới.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Anh, 100 cựu lãnh đạo thế giới đã gửi thư kêu gọi nhóm này hỗ trợ tài chính cho chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo.

Ông Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, tổ chức này đang đàm phán với các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về việc quyên góp tài chính và vắc xin phòng Covid-19 cho chương trình phân phối vắc xin của Liên hợp quốc COVAX - cơ chế chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo do WHO khởi xướng.

Tại Anh, các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, Bumble và Hinge đã khởi động chiến dịch khuyến khích người dân đăng nội dung "Tôi đã tiêm chủng" trên hồ sơ của mình, trong bối cảnh vương quốc này đang triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 tới giới trẻ. Bộ Y tế Anh cho biết, trong hoạt động hợp tác với chính phủ, các ứng dụng trên cung cấp các nhãn dán đặc biệt và thưởng tiền cho những người dùng đăng nội dung đã tiêm phòng Covid-19.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục