Ảnh minh họa: Người dân đi bộ trên Đại lộ Champs Elysees, Pháp, ngày 27/5/2021. (Ảnh REUTERS)
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đang tác động không nhỏ đến ngân sách của các gia đình trên khắp châu Âu. Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường IRI thực hiện, gần 75% số người tiêu dùng châu Âu đang phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu, trong đó có cả thực phẩm. 71% số người tiêu dùng tại sáu thị trường chính ở châu Âu đã thay đổi đáng kể thói quen mua sắm nhằm đối phó lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.
Khảo sát của IRI cũng cho thấy, 58% số người tiêu dùng châu Âu được hỏi cho biết đã cắt giảm các nhu cầu thiết yếu, trong đó 35% chuyển sang tiết kiệm cá nhân và vay nợ để thanh toán hóa đơn, hơn 50% đặt ít đồ ăn hơn và 47% cho biết sẽ hạn chế ăn, uống ở nhà hàng, quán cà-phê. Nhiều người đã chuyển sang mua sắm ở chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá, mua các mặt hàng nhãn hiệu bình dân, các sản phẩm giảm giá, thậm chí là hàng sắp hết hạn sử dụng. Niềm tin của người tiêu dùng trên toàn châu lục xuống xấp xỉ mức thấp kỷ lục và ngày càng có nhiều lo ngại Eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Theo báo cáo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mức tăng trưởng giá tiêu dùng của 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 10 vừa qua đã lên tới 10,7%, tăng so mức 9,9% của tháng 9 và vượt mức dự báo 10,2%. Trong đó, Đức, Pháp và Italia là ba nước ghi nhận mức lạm phát cao nhất.
Bên cạnh yếu tố chính khiến lạm phát leo thang là giá năng lượng tăng cao, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu cũng tác động tới mặt bằng chi phí sinh hoạt. Trong ba tháng qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã điều chỉnh lãi suất tăng tổng cộng 200 điểm cơ bản và nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất tương tự động thái của FED và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan Klaas Knot cho rằng, vẫn cần siết chặt tiền tệ và nhiều khả năng trong tháng 12 tới, ECB sẽ cân nhắc thực hiện tăng lãi suất khoảng 50-70 điểm cơ bản, dù cuối tháng 10 vừa qua ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%, lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, giá năng lượng và thực phẩm tăng là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức kỷ lục 10,4%. Theo các nhà phân tích, lạm phát cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng, vốn được xem như một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Mặc dù chính phủ quốc gia đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói hỗ trợ tiêu dùng và năng lượng trị giá 200 tỷ euro, nhưng cho đến nay, chi tiết về kế hoạch “phanh giá năng lượng” vẫn còn bỏ ngỏ.
Giám đốc kinh doanh Viện Kinh tế Đức (IFO) Timo Wollmershäuser (T.Vôn-mớt-hau-dơ) quan ngại về việc các nhà bán lẻ thực phẩm dự kiến tăng giá hầu hết các mặt hàng sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng ở mức hai con số. Phần lớn chuyên gia đều dự đoán về một cuộc suy thoái mùa đông, do giá cả tiếp tục tăng cao làm giảm sức mua của người tiêu dùng Đức.
Chịu sự chi phối của giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng cao, lạm phát của Pháp có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985. Thực phẩm là một trong các nhóm hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất gần 12%, khiến nhiều gia đình đất nước hình lục lăng phải chi phần lớn ngân sách cho các bữa ăn.
Trong khi đó, lạm phát tại quốc gia láng giềng của Pháp là Italia đã tăng 11,9%, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua. Đây là lần đầu tỷ lệ lạm phát tại Italia tăng lên mức hai con số kể từ khi đất nước hình chiếc ủng sử dụng đồng euro năm 1999.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến “suy thoái sâu” trên toàn châu lục, trong khi gián đoạn nguồn cung năng lượng đe dọa nền kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ gây ra căng thẳng xã hội. Cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao đã tô thêm gam màu tối vào bức tranh ảm đạm của lục địa già.
Gửi phản hồi
In bài viết