Châu Âu: Đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới

Trong khi đại dịch Covid-19 có xu hướng giảm dần tại nhiều khu vực trên thế giới thì châu Âu lại đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch mới với số ca nhiễm cao kỷ lục. Để ngăn ngừa kịch bản xấu có thể xảy ra, Lục địa già đang nỗ lực vượt mọi thách thức để ứng phó với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Người dân đeo khẩu trang tại ga Utrecht (Hà Lan).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu đang gia tăng theo chiều hướng “đặc biệt lo ngại”, đưa khu vực này trở lại là tâm dịch của thế giới. Nhiều quốc gia ghi nhận số ca mắc theo ngày đã vượt đỉnh cũ trong nhiều tuần liên tiếp. Đức chứng kiến tỷ lệ nhiễm vào khoảng 289 ca/100.000 dân trong ngày 15-11 - mức cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện. Tương tự, Nga ghi nhận trung bình 40 nghìn ca mắc Covid-19 mới với khoảng 1.200 ca tử vong mỗi ngày, là mức cao chưa từng có. Anh sau một thời gian yên ổn đã trở lại ngưỡng hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, gấp 10 lần so với Pháp, Tây Ban Nha, Italia... Với khoảng 68 triệu ca tính tới ngày 16-11, châu Âu đã vượt châu Mỹ về số ca mắc Covid-19.

Để hạn chế các kịch bản xấu, Lục địa già đang nhanh chóng có biện pháp ứng phó quyết liệt, thậm chí là “khắc nghiệt” hơn so với trước đây. Cụ thể, Áo áp dụng cách ly với những người chưa tiêm vắc xin, kèm mức phạt vi phạm tới 500 euro, chỉ loại trừ trẻ em dưới 12 tuổi và người bình phục sau khi mắc Covid-19. Đức cũng chỉ cho những người đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh được vào địa điểm công cộng; buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp và xét nghiệm 3 lần/tuần. Nước này cũng đang soạn thảo bộ quy định mới, trong đó yêu cầu người lao động làm việc tại nhà, chỉ đến công sở nếu có chứng nhận tiêm đủ vắc xin và âm tính với SARS-CoV-2.

Về phần mình, Hà Lan một lần nữa yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội, khuyến nghị làm việc tại nhà ít nhất nửa thời gian trong tuần. Đan Mạch cũng tái triển khai “thẻ xanh vắc xin” ở nhiều địa điểm công cộng. Tại Đông Âu, Slovenia siết chặt các biện pháp hạn chế tụ tập, đặt toàn quốc trong tình trạng khẩn cấp, dự kiến kéo dài 3 tháng...

Trong bối cảnh nhiều nước đang theo đuổi chính sách “chung sống an toàn”, việc áp dụng lại các biện pháp giãn cách như trước là điều không mong muốn, nhưng là việc “cực chẳng đã” để ứng phó với dịch bệnh. Việc một bộ phận dân số chưa tiêm vắc xin khiến “tuyến phòng thủ Covid-19” tại nhiều nước bộc lộ nhiều lỗ hổng. Đơn cử như Áo hiện mới tiêm vắc xin cho 65% trong tổng số 9 triệu người dân, thấp hơn mức trung bình 67% của Liên minh châu Âu (EU). Không ít quốc gia sau một thời gian giữ vững thành quả chống dịch nhưng xuất hiện tâm lý chủ quan khiến dịch bùng phát. Theo đại diện của WHO, những gì đang xảy ra ở châu Âu là sự cảnh báo đối với phần còn lại của thế giới. Dịch bệnh tái bùng phát sẽ đe dọa tiến trình khởi động lại nền kinh tế, phá hỏng nỗ lực chuyển hướng từ “Không Covid-19” sang mô hình chung sống an toàn của nhiều quốc gia.

Nhận thức được điều này, một số quốc gia châu Âu đã có động thái mới nhằm tăng độ phủ vắc xin phòng Covid-19. Điển hình là Anh ngày 15-11 đã thông báo sẽ tiêm mũi tăng cường cho người dân từ 40 đến 49 tuổi và khuyến khích tiêm mũi thứ hai cho người 16 và 17 tuổi. Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã ký hợp đồng thứ 8 với Công ty Dược Valneva, giúp các nước thành viên trong năm tới được mua khoảng 27 triệu liều VLA2001.

Làn sóng dịch mới đang tấn công Lục địa già cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài, điều này đòi hỏi thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó bằng những giải pháp an toàn và đồng bộ.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục