Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Pirogov, thủ đô Sofia (Bulgaria).
Theo Hãng tin AP, WHO ngày 28-10 công bố báo cáo cho thấy, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận xu hướng gia tăng số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 vào tuần trước với 1,6 triệu ca nhiễm và hơn 21.000 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 18% và 14% so với tuần trước đó. Hơn một nửa số ca nhiễm mới trên toàn thế giới trong tuần từ ngày 18-10 đến 24-10 nằm ở châu Âu. Trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO T.Ghebreyesus cảnh báo: “Đó là một lời nhắc nhở nữa rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc”.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tập trung ở Đông Âu với những lo ngại rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể sụp đổ do tình trạng quá tải và thiếu nhân lực. Các quốc gia vùng Baltic - Estonia, Latvia và Litva - mỗi quốc gia có trung bình hơn 100 trường hợp nhiễm mới hằng ngày trên 100.000 dân. Ở Romania, nơi chỉ có 30% dân số được tiêm chủng đầy đủ, tình hình trở nên nghiêm trọng khiến chính phủ nước này phải kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác. Tại Ba Lan, Bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski hồi tuần trước lo ngại đất nước đang đối mặt với “sự bùng nổ của đại dịch” sau khi các trường hợp mắc mới ghi nhận mức tăng 85%-100% hằng tuần. Trong khi đó, do liên tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc và tử vong vì Covid-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua đề xuất nghỉ làm 1 tuần ở nhà đối với người lao động đến ngày 7-11.
Sự gia tăng đột biến số ca mắc gần đây không chỉ giới hạn ở Đông Âu. Anh trung bình ghi nhận 66 ca mắc mới hằng ngày trên 100.000 người và tỷ lệ dương tính với vi rút liên tục ở mức cao. Còn tại Bỉ, Chính phủ đã phải tái áp đặt các hạn chế hôm 26-10, vốn đã được gỡ bỏ chỉ vài tuần trước, trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng đều đặn. Cơ quan Y tế công cộng Pháp Sante Publique France cho biết, dịch bệnh đã quay trở lại cùng với sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 và nhập viện.
Các quan chức của WHO cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp ở một số quốc gia Đông Âu là một trong những lý do khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Trong khi, một số quốc gia Tây Âu đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số trưởng thành và có số ca tử vong, nhập viện tương đối thấp, thì ở nhiều quốc gia Đông Âu có sẵn các loại vắc xin phòng Covid-19, song người dân vẫn do dự trong việc đi tiêm chủng. Theo AP, hơn 90% số ca mắc mới Covid-19 tại Bulgaria chưa tiêm vắc xin. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, điều kiện thời tiết mùa đông thuận lợi cho sự lây lan của vi rút cùng sự xuất hiện của biến thể phụ của chủng Delta cũng góp phần khiến tình hình dịch bệnh tại Lục địa già khó lường hơn.
Trang Politico dẫn nhận định của chuyên gia dịch tễ học Hajo Zeeb của Đại học Bremen (Đức) cho rằng, đây là đại dịch của những người chưa tiêm chủng. Mặc dù vắc xin phòng Covid-19 không phải là một giải pháp toàn diện và không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của vi rút, song rõ ràng việc tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong. Theo chuyên gia H.Zeeb, mặc dù các ca nhiễm mới tại châu Âu thậm chí có thể cao hơn so với mùa thu và mùa đông năm ngoái, song số ca nhập viện sẽ không cao hơn, đây là tín hiệu tốt thể hiện tác dụng của việc tiêm chủng.
Gửi phản hồi
In bài viết