Cánh đồng khô nứt nẻ tại Marais Breton, Villeneuve-en-Retz, Pháp trong đợt hạn hán lịch sử, ngày 8/8/2022. (Ảnh: Reuters)
Biến đổi khí hậu là một chủ đề nổi bật tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa diễn ra ở New York, Mỹ.
Phát biểu tại Phiên họp hẹp cấp cao về biến đổi khí hậu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhấn mạnh, biến đổi khí hậu vẫn là thách thức nghiêm trọng nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra đang ngày càng nghiêm trọng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhận định rằng, khả năng đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1,5oC so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp là rất mong manh.
Những lời cảnh báo trên được đưa ra khi hàng loạt thách thức đan xen từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát, khủng hoảng năng lượng và tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu… đang khiến các nước khó tập trung vào mục tiêu khí hậu.
Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng. Hồi năm 2019, siêu bão Dorian quét qua Bahamas khiến hàng chục người thiệt mạng, gây thiệt hại lên đến 3,4 tỷ USD. Hạn hán hoành hành tại Somalia, khiến hơn 1,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022. Châu Âu cũng trải qua đợt sóng nhiệt bất thường dẫn tới cháy rừng, hạn hán.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở mọi châu lục đã cho thấy, không một quốc gia hay một khu vực nào, dù giàu hay nghèo, có thể đứng ngoài vòng xoáy tác động của biến đổi khí hậu.
Ứng phó với thách thức chung toàn cầu đòi hỏi phải có những giải pháp ở cấp độ toàn cầu. Tại Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước giàu đánh thuế các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, buộc các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm với cộng đồng. Khoản tiền thuế được sử dụng nhằm bù đắp thiệt hại mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra cho người dân.
Theo một nghiên cứu mới đây, khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nơi tập trung nhiều nhà máy lọc dầu, có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới. Dân cư đô thị ở nơi này phải hít thở bầu không khí có mức độ ô nhiễm cao gấp 10 lần so với mức được coi là an toàn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đóng góp tài chính cũng là một vấn đề gây nhức nhối lâu nay và là rào cản đối với nỗ lực đạt được các mục tiêu khí hậu. Cách đây 13 năm, tại Hội nghị COP15 diễn ra ở Copenhagen, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển hành động vì khí hậu.
Tuy nhiên, mới đây, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập Mahmoud Mohieldin nêu rõ, các nước phát triển vẫn chưa thực hiện cam kết của mình cho dù số tiền này, ngay cả khi được cấp đầy đủ, cũng chỉ đáp ứng khoảng 3% nguồn tài chính cần thiết cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo quan chức thuộc Bộ Hợp tác phát triển Đan Mạch, sẽ rất không công bằng khi những người nghèo nhất trên thế giới lại phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, bởi trên thực tế họ không phải tác nhân chính gây ra vấn đề này. Đan Mạch cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới gây quỹ hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Được tổ chức ở châu Phi, một trong những nơi chịu nhiều tổn thương nhất từ các thảm họa thiên nhiên, Hội nghị COP27 được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, từ kỳ vọng đến thực tế vẫn còn khoảng cách, đòi hỏi sự sẻ chia trách nhiệm một cách thực chất và quyết liệt. Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc chưa đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nào, song đã gióng hồi chuông thúc giục các nước tăng tốc hành động, khi không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tác động từ biến đổi khí hậu.
Gửi phản hồi
In bài viết