Đám cháy rừng ở vùng Alexandroupolis phía Đông Bắc Hy Lạp đã bước sang ngày thứ 6, bùng phát mạnh khi kết hợp với các đám cháy nhỏ, thiêu rụi nhiều nhà cửa và buộc người dân phải sơ tán trên diện rộng.
Ủy viên châu Âu về Quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết, với hơn 730km2 bị phá hủy, cháy rừng tại Alexandroupolis được đánh giá là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử EU. Bà Janez Lenarcic kêu gọi tiếp tục tăng cường các nỗ lực phòng ngừa trước những mùa cháy rừng tàn khốc hơn.
Sở Cứu hỏa quốc gia Hy Lạp (HFS) thông báo, lực lượng cứu hỏa đã ứng phó với 104 đám cháy trên toàn quốc chỉ trong 24 giờ, 69 trong số này là những đám cháy rừng mới.
Lửa bùng phát dữ dội trên dãy Parnitha. Ảnh: Reuters
Một trong những đám cháy lớn xảy ra ở ngoại ô thủ đô Athens đã lan đến công viên quốc gia trên dãy Parnitha. Tính đến tối 24-8, tình hình đã được cải thiện phần nào trong bối cảnh lực lượng cứu hỏa vẫn đang đối phó với các đợt bùng phát.
Nguyên nhân một số vụ cháy gần Athens là do con người. Chín đám cháy đã bùng phát chỉ trong sáng ngày 24-8, tại khu vực Avlona ở phía Bắc dãy Parnitha. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một người đàn ông 45 tuổi với cáo buộc gây ra ít nhất 3 vụ cháy ở khu vực này.
Tình hình nghiêm trọng buộc Hy Lạp kêu gọi trợ giúp từ các quốc gia châu Âu khác. Đức, Thụy Điển, Croatia và Cộng hòa Síp đã huy động máy bay. Romania, Pháp, Séc, Bulgaria, Albania và Slovakia cũng gửi lính cứu hỏa đến hỗ trợ.
Lực lượng cứu hỏa khống chế các đám cháy rừng. Ảnh: Getty Images
Phát ngôn viên Sở Cứu hỏa quốc gia Yiannis Artopios cho biết, 260 lính cứu hỏa làm nhiệm vụ tại Parnitha với sự hỗ trợ của 10 máy bay và 11 trực thăng. Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa Bulgaria, Albania, Romania, Séc cùng các phương tiện tham gia chữa cháy ở vùng Alexandroupolis.
Những trận cháy rừng tàn khốc thường xảy ra tại Hy Lạp vào mùa hè. Năm 2018, do không có cảnh báo sơ tán, đám cháy tại một khu nghỉ mát ven biển gần Athens đã khiến 104 người thiệt mạng. Sau vụ việc, nhà chức trách quyết định ra lệnh sơ tán ngay khi những khu vực có người ở gặp nguy cơ.
Tháng 7 vừa qua, vụ cháy rừng trên đảo Rhodes đã buộc khoảng 20.000 khách du lịch phải sơ tán. Vài ngày sau, 2 phi công thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy trên đảo Evia.
Với mùa hè nóng và khô, các quốc gia Nam Âu đặc biệt dễ xảy ra cháy rừng. Các quan chức EU nhận định, tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến tần suất và cường độ cháy rừng ngày càng tăng ở châu Âu, đồng thời lưu ý, những đám cháy rừng xảy ra trong năm 2022 gây thiệt hại năng nề nhất kể từ năm 2017.
Gửi phản hồi
In bài viết