Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Libya tại Sirte ngày 9/3/2021. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Việc kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử đổ vỡ được các quan chức bầu cử Libya lý giải là do thiếu luật bầu cử cần thiết liên quan vai trò tư pháp trong kháng cáo, trong khi điều này lại là một vấn đề nghiêm trọng trong quá trình bầu cử, tác động tiêu cực đến quyền bảo vệ các quyết định của HNEC. Cơ quan này nêu rõ, sự can thiệp vào chính trị và các phán quyết tư pháp đã khiến HNEC phải tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” và không thể công bố danh sách ứng cử viên tổng thống cuối cùng. Theo HNEC, sẽ rất rủi ro nếu ấn định thời điểm mới tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào thời điểm này.
Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya chỉ trích Quốc hội và HNEC không tổ chức cuộc bầu cử tổng thống theo thời gian đã định; cho rằng việc Quốc hội không xây dựng được một cơ sở hiến pháp và luật bầu cử, cũng như HNEC thất bại trong việc hướng dẫn tổ chức bầu cử, là những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử đúng hạn. Các phe phái chính trị tại Libya, vốn đã nhất trí thông qua quy trình bầu cử, giờ đổ lỗi cho nhau về sự việc này. Quốc hội Libya đã thành lập một ủy ban để soạn thảo một lộ trình mới, với mục tiêu xem xét một số đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề liên quan bầu cử, bên cạnh việc xác định tương lai của chính phủ lâm thời.
Bị chia cắt trong suốt một thập niên xung đột sau cuộc chính biến năm 2011, Libya đã có một năm tương đối bình yên kể từ khi các phe phái chính trị đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài vào tháng 10/2020 và Liên hợp quốc thúc đẩy kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp của Libya. Tuy nhiên, các phe phái tại Libya đến nay vẫn bất đồng sâu sắc về cơ sở hiến pháp và luật bầu cử, cũng như quy định về tư cách ứng cử viên. Hai ứng cử viên tổng thống, gồm Tướng Khalifa Haftar (K.Háp-ta), chỉ huy lực lượng Quân đội quốc gia Libya đóng tại miền Đông và ông Seif Al-Islam Kadhafi (X.Ca-đa-phi), con trai của cố lãnh đạo Moamer Kadhafi (M.Ca-đa-phi), đều bị cáo buộc “phạm tội ác chiến tranh” và vấp phải sự phản đối từ các phe đối địch.
Trong khi đó, tình hình an ninh vẫn mong manh, khi Libya chưa thể thành lập một lực lượng quốc gia đủ năng lực để kiểm soát toàn bộ các vùng lãnh thổ của đất nước. Giới phân tích cảnh báo, lệnh ngừng bắn tại Libya bị đe dọa, trong bối cảnh hàng chục nhóm vũ trang và hàng nghìn tay súng nước ngoài đang kiểm soát quốc gia Bắc Phi. Bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào do những tranh cãi liên quan tổ chức bầu cử. Gần đây đã xuất hiện các nhóm vũ trang được triển khai tại ngoại ô thủ đô Tripoli. Những hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy, các lực lượng kiểm soát nhiều tuyến đường và xe tăng cùng một số xe bán tải chở theo súng máy xuất hiện trên đường phố.
Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một phần của lộ trình hòa bình được Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) thông qua, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, với mục tiêu mang lại sự ổn định cho Libya sau nhiều năm bất ổn chính trị và an ninh. Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc kêu gọi Quốc hội Libya thực hiện “trách nhiệm quốc gia” và khẩn trương giải quyết các khuyến nghị từ HNEC để thúc đẩy tiến trình bầu cử. Năm quốc gia phương Tây gồm Mỹ, Pháp, Anh, Đức và Italia ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội Libya sớm ấn định mốc thời gian mới cho bầu cử. Tuy nhiên, Quốc hội Libya từ chối đưa ra thời điểm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, với lý do công tác chuẩn bị chưa ổn thỏa.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên ở Libya gạt bỏ bất đồng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra suôn sẻ. Bởi đây là cách duy nhất, là “chìa khóa” mở cánh cửa hòa bình, ổn định và phát triển của Libya.
Gửi phản hồi
In bài viết