Chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo vào tháng 2-2021

Đến 6h ngày 19-1, thế giới ghi nhận 95.955.016 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.047.454 ca tử vong, 68.495.272 người đã bình phục.

Một y tá chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca tại điểm tiêm chủng
đặt ở sân vận động Totally Wicked (Anh).

Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết, tổ chức này đang trong các cuộc đàm phán chuyên sâu với Pfizer về việc đưa vắc xin ngừa Covid-19 của hãng này vào danh mục vắc xin của WHO dùng để chia sẻ cho các nước nghèo. Chương trình chia sẻ vắc xin dự kiến bắt đầu triển khai cho các nước nghèo và nước thu nhập trung bình vào tháng 2-2021.

Động thái mới của WHO diễn ra trong bối cảnh Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus quan ngại về vấn đề phân phối vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu hiện nay, trong đó cho rằng thế giới đang bên bờ vực của "một sự thất bại nghiêm trọng về đạo đức".

Ông Tedros cũng hối thúc các nước và các nhà sản xuất chia sẻ vắc xin trên toàn cầu đồng đều hơn, cho rằng các thỏa thuận song phương về cung cấp vắc xin được ký kết có thể làm chậm trễ việc phân phối vắc xin theo chương trình Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX), đồng thời dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vắc xin, tiếp tục gây chia rẽ xã hội và kinh tế. 

Theo các thống kê, hơn 40 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được phân phối trên toàn thế giới. Tính tổng cộng, đã có 7 vắc xin đang được lưu hành, đều có phác đồ tiêm 2 mũi.

Châu Âu

Anh ghi nhận tuần vừa qua có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, lên tới 16,5 trường hợp/1 triệu ca nhiễm. Theo London, tốc độ tiêm chủng tại đảo quốc Sương mù đã đạt mức 140 người/phút.

Đức phát hiện một biến thể chưa được xác định của vi rút SARS-CoV-2 tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Dịch bệnh đã bùng phát tại bệnh viện, nơi 73 bệnh nhân và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút. Trong ngày hôm nay (19-1), Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ có cuộc thảo luận về kéo dài lệnh phong tỏa toàn phần, trong đó có quy định về giờ giới nghiêm ban đêm, làm việc tại nhà và bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và cửa hàng.

Giới chức Bồ Đào Nha lo ngại hệ thống y tế công cộng của nước này có nguy cơ sụp đổ do các bệnh viện tại những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đang sắp hết giường phục vụ bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc tích cực.

Châu Á

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới (gồm 93 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 16 ca nhập cảnh), không có ca tử vong. Nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thêm gần 3 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 có liên quan tới một nhân viên chào hàng tăng vọt. 

Tại Hàn Quốc, từ ngày 18-1, tất cả những người nước ngoài nhập cảnh phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi họ đến. Hàn Quốc ghi nhận 389 ca nhiễm mới, trong đó 366 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhiễm mới ngày 18-1 giảm mạnh so với 520 ca ghi nhận một ngày trước đó và là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 25-11-2020.

Nhật Bản phát hiện thêm 5.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 331.256 người. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 972 người. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp, số ca nguy kịch tăng lên các mức kỷ lục mới.

Nhật Bản cũng thông báo kế hoạch thiết lập hệ thống để giám sát hiệu quả các công dân nước ngoài dương tính với vi rút SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh nước này. Hiện các cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn lưu tên và quốc tịch của các công dân nước ngoài tại các trạm kiểm dịch khi họ nhập cảnh, nhưng hệ thống dữ liệu này hoạt động riêng rẽ với hệ thống theo dõi tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản theo thời gian thực HER-SYS được triển khai từ tháng 5-2020. Kế hoạch mới sẽ kết nối hai hệ thống dữ liệu trên với nhau, từ đó giới chức y tế Nhật Bản có thể chia sẻ thông tin về người nước ngoài nhiễm vi rút một cách nhanh chóng. Hệ thống kết nối dự kiến hoàn tất trong tháng 1.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 9.086 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là 917.015 ca. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này cũng lên 26.282 ca, tăng 295 ca so với một ngày trước đó. Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận 369 ca mắc mới, phần lớn là qua chương trình xét nghiệm tại tỉnh Samut Sakhon. Trong số đó, có 357 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh. Riêng tỉnh Samut Sakhon ghi nhận 269 ca mới, hầu hết là người nhập cư.

Philippines thông báo có thêm 2.163 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua tại nước này. Hiện, tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines đã tăng lên 502.736 ca.

Tại Trung Đông, Iran đã chi 52 triệu USD mua 16,8 triệu liều vắc xin từ chương trình COVAX để tiêm phòng cho 8,4 triệu người. Theo kế hoạch, số vắc xin này sẽ đến Iran trong vòng 2 tháng tới.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo sẽ hạ độ tuổi tối thiểu được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 từ 18 tuổi xuống 16 tuổi. UAE đang cấp miễn phí vắc xin của Sinopharm (Trung Quốc) cho mọi cư dân sinh sống tại nước này. Riêng Dubai cho phép người dân lựa chọn giữa vắc xin của Sinopharm và vắc xin do Pfizer/BioNTech sản xuất. 

Israel thông báo bắt đầu tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 cho các tù nhân. Trong khi đó, chính quyền Palestine xác nhận đã ký hợp đồng mua vắc xin với 4 nhà cung cấp, trong đó có vắc xin Sputnik V của Nga. Palestine dự kiến sẽ nhận được đủ vắc xin cho 70% người dân, bao gồm ở Bờ Tây và Dải Gaza, vào giữa tháng 3 tới.

Châu Mỹ

Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, ông Anthony Fauci đánh giá, mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, kể từ ngày 20-1, là khả thi. Đến nay, đã có 31,1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 được phân phối đến các trung tâm tiêm phòng, nhưng con số này thấp hơn khoảng 40% so với kế hoạch.

Venezuela đã cấp phép mở lại tuyến bay thương mại giữa nước này với Panama và Cộng hòa Dominica, hai điểm đến đã từng được chấp thuận mở lại hồi tháng 11-2020 nhưng lại bị hủy chỉ sau đó vài tuần do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Quyết định trên được đưa ra nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người dân Venezuela, trong đó Panama là một trong những địa điểm được sử dụng nhiều nhất như là một điểm quá cảnh cho những người muốn đến và rời khỏi Venezuela.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục