Nguyên nhân dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là do sự phản đối gay gắt của các đảng phái đối lập sau khi Thủ tướng Michel Barnier quyết định thông qua dự luật Ngân sách An sinh xã hội 2025. Ảnh: AP. |
Trước đó vào ngày 2/12, trước Hạ viện, do không có đa số quá bán tại Hạ viện và lường trước dự luật sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật Ngân sách An sinh xã hội 2025.
Quyết định thông qua mà không cần bỏ phiếu đã đặt chính phủ trước nguy cơ bị lật đổ. Các nghị sĩ của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) ngay lập tức thông báo nộp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, tiếp đó là đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN).
Kể từ 16 giờ ngày 4/12, Hạ viện Pháp đã lần lượt xem xét hai kiến nghị bất tín nhiệm của phe cánh tả và của phe cực hữu. Kết quả bỏ phiếu, được công bố vào lúc 20 giờ (giờ địa phương), cho thấy có tới 331 trong tổng 577 phiếu ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm, cao hơn so với 288 phiếu cần thiết.
Diễn biến này đã được dự báo trước vì liên minh cầm quyền không có đủ ghế quá bán tại Hạ viện sau cuộc bầu cử Quốc hội mới trước thời hạn vào tháng 7/2024.
Ngày 5/9, Tổng thống Emmanuel Macron đã chỉ định ông Michel Barnier, cựu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm Thủ tướng mới của Pháp. Đây là một nhiệm vụ "bất khả thi" vì liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron không có đủ đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Trong khi đó, đảng cực hữu RN cùng các đồng minh có hơn 140 nghị sĩ và Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình dân Mới có gần 200 ghế.
Đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, Thủ tướng Michel Barnier đã lên kế hoạch tiết kiệm 60 tỷ euro cho tài khoá 2025 bằng việc tăng thuế trong một số lĩnh vực, giảm trợ cấp chăm sóc y tế cho người không giấy tờ...
Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây ra nhiều tranh cãi tại Quốc hội và khiến thủ tướng phải đối mặt áp lực ngày càng tăng từ các đảng phái đối lập, nhất là sau khi ông áp dụng điều 49-3 của Hiến pháp để thông qua ngân sách mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Trước giờ bỏ phiếu, Thủ tướng Barnier kêu gọi các nghị sĩ đưa ra quyết định "một cách có trách nhiệm" và "đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết", tuy nhiên các đảng phái đối lập vẫn nhất quyết dồn phiếu để kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua.
Như vậy, Thủ tướng Michel Barnier và nội các mới chỉ hoạt động trong vòng 3 tháng. Mặc dù là người được đánh giá có nhiều kinh nghiệm thương lượng, cuối cùng ông Michel Barnier đã không thể tìm được thỏa hiệp với các đảng phái đối lập để thông qua các chính sách của chính phủ.
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng mới. Đây là vấn đề rất nan giải, trong bối cảnh chính trị của nước Pháp rơi vào khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng sau khi tổng thống giải tán Quốc hội hồi đầu tháng 6 vừa qua. Nguyên nhân là do liên minh cánh tả và liên minh cựu hữu liên tục phản đối các quyết sách và dự luật của chính phủ thuộc liên minh cầm quyền.
Theo điều 50 trong Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, khi Quốc hội thông qua kiến nghị bất tín nhiệm, Thủ tướng sẽ phải sớm đệ đơn từ chức lên Tổng thống. Như vậy, không có chính phủ điều hành và không có ngân sách hoạt động, nước Pháp lại rơi vào tình trạng bất định cả về chính trị và tài chính.
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ lại phải bổ nhiệm một người kế nhiệm ông Michel Barnier trong vòng 90 ngày kể từ khi kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ được thông qua.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải mất gần hai tháng để chọn ông Michel Barnier làm thủ tướng với hy vọng đảm bảo một sự ổn định chính trị nhất định. Áp lực ngày càng lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron vì phải làm lại từ đầu, nhất là trong bối cảnh ngân sách cho nước Pháp rất khẩn cấp. Hậu quả của sự sụp đổ của chính phủ có thể rất nghiêm trọng, không chỉ giới hạn ở chính trị mà còn đối với cả kinh tế và xã hội.
Hiện không có lựa chọn khả thi vì cán cân lực lượng chính trị ở Quốc hội sẽ vẫn không thay đổi. Chính phủ mới khó có thể có được đa số để thông qua ngân sách cho năm 2025.
Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình dân Mới vẫn đòi có đại diện lên lãnh đạo chính phủ, nếu không sẽ kiến nghị bất tín nhiệm. Còn đảng cực hữu RN thường xuyên gây áp lực, yêu cầu chính phủ chấp nhận các đề xuất của đảng này, nhất là vấn đề an ninh, nhập cư. Tình hình ngày càng phức tạp hơn với Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo thông tin từ Điện Elysée, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình vào lúc 20 giờ ngày 5/12.
Gửi phản hồi
In bài viết