(Ảnh minh họa: Reuters)
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo về các ngành công nghiệp sáng tạo số tại châu Á, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 8/10.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các chiến lược thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo số, coi đây là yếu tố then chốt góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững tại khu vực.
Báo cáo cũng chỉ rõ, việc phát triển tài năng trong các lĩnh vực sáng tạo và mở rộng các ngành công nghiệp này sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại buổi ra mắt báo cáo, ông Bruno Carrasco, Tổng Vụ trưởng Vụ Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững của ADB cho biết, đột phá kỹ thuật số đối với các ngành công nghiệp sáng tạo mang lại tiềm năng kinh tế to lớn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, môi trường chính sách hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để hỗ trợ các ngành công nghiệp này phát triển một cách toàn diện và kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo dựa trên hơn 40 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và hiệp hội ngành nghề tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, cho thấy các quốc gia mới nổi đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số.
Những lĩnh vực như phim ảnh, trò chơi điện tử và âm nhạc kỹ thuật số được xem là động lực tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh các công ty giải trí toàn cầu có nhu cầu cao về nội dung sáng tạo tại địa phương.
Tuy nhiên, một thách thức lớn là sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cao trong các vai trò sáng tạo như biên kịch, lập trình viên và nhà sản xuất.
Ông Carrasco nhấn mạnh rằng, để giải quyết vấn đề này, các chính phủ cần xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát triển nhân tài thông qua các hệ thống đào tạo suốt đời, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trình độ cho người lao động, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Các quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Singapore và Vương quốc Anh đã gặt hái thành công trong việc phát triển nguồn nhân lực nội địa, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ những chiến lược bài bản trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.
Báo cáo của ADB khuyến nghị các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương học hỏi và áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các cường quốc sáng tạo này.
Ngoài vấn đề về nhân lực, báo cáo cũng chỉ ra một rào cản quan trọng khác đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, đó là tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng.
Dù internet tốc độ cao và các nền tảng phát trực tuyến đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu cho các nhà sản xuất nội dung địa phương, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn còn rất hạn chế.
Báo cáo nhấn mạnh, việc thiết lập các cơ chế tài chính hiệu quả như các khoản vay, bảo lãnh tín dụng, tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm hay viện trợ không hoàn lại sẽ là giải pháp để biến những ý tưởng sáng tạo thành các dự án khả thi.
Sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc thông qua mô hình hợp tác công-tư có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sáng tạo vươn ra thị trường quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết