Những công trình của lòng dân

- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận tốt thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể huyện Lâm Bình đã coi công tác dân vận là phương pháp quan trọng xuyên suốt để nhân dân đồng thuận hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng chí Nguyễn Trung Kỳ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình cho biết, nhiều tuyến đường hiện nay đang được nâng cấp, cải tạo muốn thi công được thì nhân dân phải hiến đất đai, tài sản trên đất. Nhiều dự án hiện đang đảm bảo tiến độ thi công, trong đó có dự án vượt tiến độ nhờ sự đồng thuận, hiến đất của nhân dân như: Hạng mục đường giao thông từ ngã ba Nà Tông ra bến thủy xã Thượng Lâm; dự án cải tạo, nâng cấp đường thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; dự án đường lên khu sản xuất chè Khau Mút, xã Thổ Bình; dự án cải tạo, nâng cấp cầu Ta Tè, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can đến Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện; công trình cải tạo, nâng cấp đường từ Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Lâm đi đèo Kéo Nàng, xã Khuôn Hà. Trong quá trình triển khai thi công, Ban Quản lý luôn phối hợp với các tổ công tác vận động giải phóng mặt bằng của các xã để dân vận nhân dân tự nguyện hiến đất. “Có xã phải dân vận hàng trăm hộ hiến đất, dỡ mái lợp, dỡ một phần diện tích nhà ở để mở rộng tuyến đường. Dân vận như vậy không dễ dàng chút nào nhưng chúng tôi dân vận theo phương châm kiên trì, phối hợp chặt chẽ, dân vận cán bộ đảng viên làm gương”.


Phần diện tích đất vừa hiến của gia đình đảng viên Nguyễn Khánh Toàn, thôn Nặm Đíp,
xã Lăng Can để huyện thi công nâng cấp tuyến đường.

Xã Lăng Can có 89 hộ dân ở thôn Nặm Đíp và 94 hộ dân ở thôn Nà Khà nằm trong diện phải tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để huyện cải tạo, nâng cấp tuyến đường. Đến nay, sau 1 tháng thi công, xã đã vận động được 46 hộ hiến đất, dỡ mái lợp, bờ rào, tường nhà để tạo mặt bằng cho tuyến đường đi qua. Đồng chí Nguyễn Trần Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi xác định muốn làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thi công các tuyến đường trước hết phải làm tốt công tác dân vận chính quyền. Xã đã thành lập các tổ công tác vận động nhân dân. Từng thành viên trong tổ được phân công vận động các nhóm hộ gia đình. Xã vừa tổ chức họp nhân dân để thông báo rõ về chủ trương làm đường nhưng không hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng mà nhân dân phải hiến đất, vừa tổ chức đối thoại với những hộ dân phải hiến đất, tài sản trên đất. Thậm chí còn rà soát những hộ nào phải hiến 1 phần diện tích nhà ở để vận động cá biệt. Đến những hộ dân chưa hiểu, chưa đồng thuận, chúng tôi kiên trì, mềm mỏng giải thích. Chúng tôi vận động cán bộ, đảng viên trước rồi mới vận động nhân dân. Từ đó nhiều hộ cũng dần dần hiểu ra đây là trách nhiệm chung phải thực hiện”.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, đảng viên thôn Nặm Đíp là người đầu tiên trong thôn hiến 400m2 đất vườn để xã mở đường. Ông Toàn cho biết, trước đây diện tích đất vườn ấy, nhà ông trồng cây ăn quả, mỗi năm có thêm vài chục triệu đồng, nhà làm sát vườn. Nhưng khi có chủ trương nâng cấp tuyến đường qua nhà ông, ông gương mẫu hiến đất, chặt cây ăn quả để xã thi công. Ông cũng làm lùi ngôi nhà vào bên trong. Từ tấm gương của ông, nhiều hộ liền kề cũng tự nguyện hiến đất. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Cường ban đầu cũng nấn ná nhưng giờ đã tự nguyện hiến 500m2 đất vườn.


Cán bộ thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm vận động nhân dân trong thôn hiến đất
để huyện mở rộng tuyến đường.

Tuyến đường bê tông từ Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Lâm đi đèo Kéo Nàng, xã Khuôn Hà dài 1km qua 3 thôn của xã Thượng Lâm là Nà Liềm, Bản Chợ và Nà Tông với 259 hộ dân phải hiến đất để mở rộng lòng đường từ 3 mét lên 6 mét. Đến  nay, công trình cơ bản đã hoàn thành nhờ sự đồng thuận hiến đất của 100% hộ dân ở 3 thôn. Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm cho biết, hiện nay, cả xã có diện tích đất nhân dân đã hiến là trên 3 nghìn m2. Ngoài việc thành lập các tổ công tác vận động, Đảng ủy xã chỉ đạo phương châm dân vận đó là các tổ chức đoàn thể phải vận động trong đoàn viên, hội viên của mình trước. Các chi bộ vận động đảng viên trong chi bộ có đất phải hiến thì hiến trước rồi mới vận động đến nhân dân. Cả hệ thống chính trị phải làm dân vận như lời Bác dạy chứ dân vận không phải của cán bộ làm công tác Mặt trận hay của một cá nhân nào. Ông Ngô Thế Cát, Bí thư Chi bộ thôn Nà Liềm chia sẻ, thôn có 45 hộ phải hiến đất, 100% hộ dân đến nay đều đã hiến. Chi bộ có 8 đảng viên phải hiến đất. Chi bộ đã tuyên truyền, vận động các đảng viên gương mẫu hiến trước. Trong thôn thành lập 3 tổ vận động nhân dân hiến đất, trong đó có các đảng viên và các nhóm trưởng nhóm tự quản.

Đảng viên Nguyễn Văn Tiến trước đây dùng một gian phía trước của ngôi nhà để bán hàng tạp hóa. Nhưng khi có chủ trương làm đường, hiến đất, ông đã phá bỏ một gian của ngôi nhà, dừng bán hàng tạp hóa mà chuyển sang làm nghề mộc để hiến diện tích ấy cho xã mở rộng tuyến đường. Ông nói: “Muốn làm cho đường đẹp, thoáng để mọi người đi lại không sợ tai nạn thì mình phải tự giác hiến đất. Mình không gương mẫu thì còn nói được ai”. Bản thân ông Tiến cũng vận động được 2 hộ là nhân dân từ chỗ chưa đồng thuận hiến đất đi tới đồng thuận hiến đất.

Dân vận với phương pháp kiên trì, khéo léo, lấy gương đảng viên để tạo sự lan tỏa chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ “phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp ở Lâm Bình cần tiếp tục phát huy và nâng lên thành “nghệ thuật” dân vận để tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, hoàn thành thắng lợi các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục