Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Theo Hồ Chí Minh, nguyên nhân của bệnh chủ quan là do “kém lý luận hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”. Người lý giải, “lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế”. Người nhấn mạnh “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Hồ Chí Minh phân tích hai loại cán bộ có hạn chế về lý luận. Loại thứ nhất là “những cán bộ, đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm”. Lỗi của họ là “khinh lý luận”, như thế cũng có nghĩa là như người “một mắt sáng, một mắt mờ”. Loại cán bộ thứ hai là những người “Lý luận suông”, họ “xem được sách, xem nhiều sách” nhưng không vận dụng được vào thực tế công tác, những cán bộ này “khác nào một cái hòm đựng sách”. Do đó những cán bộ này phải “ra sức thực hành” mới có thể trở thành người hiểu biết lý luận thực sự. Từ sự phân tích hai trường hợp khuyết điểm nêu trên, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Nói tóm lại, mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.
Có thể nói, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, bệnh chủ quan chủ yếu là do những hạn chế về lý luận như: Không hiểu biết lý luận, không chịu học tập lý luận, không biết áp dụng lý luận vào thực tiễn. Điều này có ý nghĩa quan trọng như một vấn đề phương pháp luận, giúp chúng ta giải đáp, cắt nghĩa đúng những thành công hay thất bại trong công việc của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết