Tính từ tháng 6/2015 đến 30/3/2018, đội ngũ người làm báo tỉnh nhà đã thực hiện được gần 900 tác phẩm báo chí và chương trình tuyên truyền, quảng bá; trong đó có gần 200 tác phẩm báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đăng, phát trên Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Tân Trào, Cổng thông tin điện tử tỉnh, đặc san Người làm báo Tuyên Quang. Nhiều hội viên - nhà báo đã gửi tham gia và được đăng từ 3 đến 4 tác phẩm thuộc các thể loại. Ban Tổ chức Giải thưởng của tỉnh đã chọn được 13 tác phẩm để trao giải ở cấp tỉnh vào dịp Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Bác.
Ban tổ chức Giải thưởng của tỉnh họp xét lựa chọn để trao giải cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Thủy Châu |
Nhìn chung các tác phẩm báo chí đợt này đã bám sát yêu cầu nội dung chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; có tính phát hiện, tính sáng tạo; đạt chất lượng tốt về nội dung, hình thức thể hiện và có tính thuyết phục; góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi đắp nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội.
Thông qua nội dung các tác phẩm cho thấy, báo chí đã đi sâu thâm nhập thực tế cuộc sống hằng ngày để tìm tòi, phát hiện được nhiều gương điển hình trong học tập, làm theo Bác, các nhân tố mới cần nhân rộng trong đời sống xã hội. Các tác phẩm đã biểu dương những điển hình cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sống, làm việc, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách thể hiện khá thuyết phục việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của các điển hình tập thể, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đảng, với sự nghiệp đổi mới. Trong đó có một số tác phẩm đạt chất lượng cao về nội dung và hình thức thể hiện, đó là:
Phóng sự: Hai lần nhận cúp “Bông hồng vàng”, của tác giả Trịnh Thành Công (Báo Tuyên Quang) viết về chị Vi Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sơn Dương. Chị vinh dự hai lần được nhận Cúp Bông hồng vàng và danh hiệu Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu (năm 2013 và 2016). Đây là danh hiệu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng, tôn vinh 100 nữ doanh nhân xuất sắc có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Chị là tấm gương luôn khắc ghi lời Bác không ngại gian khó; một nữ giám đốc giàu ý chí, nghị lực, tâm huyết và sáng tạo, biết nén nỗi đau riêng, vượt lên hoàn cảnh để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Với tình yêu rừng, yêu nghề và khát khao được cống hiến, chị luôn sâu sát cơ sở xây dựng cơ chế liên doanh trồng rừng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc rừng trồng, mang lại lợi ích cho cả công ty và người nông dân, góp phần đem lại màu xanh cho những cánh rừng và cuộc sống ấm no cho những người trồng rừng. Khi đã nghỉ hưu, chị vẫn sẵn sàng lên đường truyền đạt kinh nghiệm quản lý, chăm sóc rừng trồng cho những người đi sau.
Một số tác phẩm báo chí tham dự giải thưởng sáng tác, quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đăng trên Báo Tuyên Quang. |
Tác phẩm có tính phát hiện cao, phản ánh về một cá nhân điển hình có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Cách thể hiện giàu chất văn học, chi tiết sống động, hấp dẫn. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh ngay từ phần mở đầu khi mô tả về căn phòng làm việc của chị Hồng có bàn thờ Bác Hồ. “Mỗi sáng mùng một, ngày rằm, kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và các ngày lễ lớn của dân tộc, chị mua hoa huệ kính dâng Bác, báo với Bác về công tác trồng rừng mà chị và công ty đang thực hiện. Chị bảo, từ thuở bé chị đã được đọc các bài viết của Bác Hồ về trồng cây, gây rừng, tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của con người. Từng câu, từng chữ của Bác thấm vào tâm thức cô gái nhỏ Phú Thọ và tình yêu rừng trong chị bắt nguồn từ đấy” (Trích tác phẩm). Tác giả đã dày công thể hiện hình ảnh cá nhân tiêu biểu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách rõ nét, sâu sắc; không chỉ phản ánh đơn thuần những việc làm, mà còn phản ánh được những suy nghĩ, trăn trở nội tâm của chị Hồng trong quá trình tiếp nhận nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác để học tập và làm theo.
Phóng sự tài liệu Những câu chuyện ở Tân Trào của nhóm tác giả An Thu, Lê Thắng, Khánh Huyền, Đài PT-TH tỉnh, là bức tranh khái quát về Bác Hồ ở Tân Trào trong những năm tháng gian lao để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (từ tháng 5 đến tháng 8/1945), thông qua những câu chuyện cảm động về Bác ở Tân Trào; những kỷ niệm về Bác trong lòng người dân Tân Trào; và những tư liệu, sự kiện lịch sử trọng đại ở Tân Trào.
Nội dung tác phẩm tuy không mới, nhưng với cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, hình ảnh đẹp, có chọn lọc cho ta thấy hình ảnh lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh ở Tân Trào thật giản dị, gần gũi biết bao. Người không chỉ là ông Ké thân quen đáng kính trọng trong lòng mỗi người dân Tân Trào, mà hơn tất thảy Người là hiện thân của một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc suốt đời hy sinh, tranh đấu cho hòa bình, độc lập tự do và ấm no, hạnh phúc cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam.
Nội dung thuyết minh trong phóng sự ngắn gọn, sâu sắc. Với cách dẫn hiện trường nhẹ nhàng, hợp lý đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho tác phẩm. Sự xuất hiện của phóng viên tại hiện trường tạo sự tin cậy cho thông tin trong phóng sự, tương tác với khán giả. Âm nhạc, bài hát kết thúc phóng sự được lựa chọn rất phù hợp, gây xúc động mạnh.
Tác phẩm thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tinh thần trách nhiệm của người làm báo trên quê hương Cách mạng Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến; thể hiện tình cảm trân trọng, kính yêu, niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Bác kính yêu.
Các phóng sự báo in: “Không lùi bước” của tác giả Trịnh Thủy Châu (Báo Tuyên Quang); “Như mạch nguồn chảy mãi” của tác giả Hoàng Thị Niềm (Báo Tuyên Quang) và phóng sự phát thanh “Người Bí thư Chi bộ gương mẫu” của tác giả Trần Thị Ngọc (Đài PT - TH tỉnh) đã viết về những cán bộ, đảng viên điển hình, tiêu biểu trong làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:
Đó là tấm gương các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Yên Sơn, với lòng dũng cảm, không lùi bước trước mọi thách thức, khó khăn, biết dựa vào sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, đặt lợi ích của tập thể, cơ quan lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình, luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, phá thành công nhiều chuyên án khó.
Đó là tấm gương ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao ở thôn Bản Pình, xã Trung Minh (Yên Sơn) không kể ngày tháng, khó khăn, tự nguyện đứng ra dạy chữ cho bà con, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Đối với ông, đó là niềm vui cũng là trách nhiệm để sức sống văn hóa dân tộc như mạch nguồn chảy mãi. Đúng như tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa: “Có những ngọn suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ truyền”, văn hóa dân tộc là vốn quý, phải biết nâng niu, quý trọng tạo nên nguồn cội sức mạnh dân tộc Việt Nam”. (Trích tác phẩm).
Đó là tấm gương người Bí thư Chi bộ Lý Văn Quyền, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên. 8 năm làm Bí thư Chi bộ, ở cương vị là người đứng đầu cơ sở, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, luôn sâu sát cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân. Nhờ đó mà bà con đồng bào dân tộc Dao, Mông trong thôn luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, Bí thư Chi bộ Lý Văn Quyền đã góp một phần không nhỏ công sức của mình cho sự đổi thay của quê hương.
Các tác phẩm đều phản ánh chân thực cuộc sống, cách thể hiện khá hấp dẫn với những chi tiết cụ thể, giàu ý nghĩa.
Tuy nhiên, ở những tác phẩm này cũng còn bộc lộ hạn chế. Đó là, các tác giả chưa thật chú trọng, dụng công trong việc thể hiện rõ nét đây là tác phẩm viết về tấm gương học và làm theo Bác, chưa gắn kết được những việc làm tốt của các tấm gương đó theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; mà cơ bản vẫn là tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt, do đó chưa phản ánh được chiều sâu của tư tưởng, nhận thức của các tấm gương này trong việc học Bác và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Hy vọng, thời gian tới những hạn chế này sẽ được khắc phục, để chúng ta có thêm nhiều tác phẩm báo chí tham dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày càng có chất lượng cao về cả nội dung và hình thức thể hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết