Nhất trí bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Kết luận nội dung thảo luận tại buổi làm việc sáng nay của Phiên họp thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, tán thành việc bổ sung 2 dự án luật là dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp tháng 4. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh chủ trì thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Qua xem xét tờ trình và ý kiến thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khối lượng công tác xây dựng pháp luật trong năm 2023 là rất lớn, như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, thông qua 7 luật và 1 nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cố gắng nỗ lực nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục.

Trao đổi thêm về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này có ý nghĩa rất quan trọng giữa thực trạng trong nước và nước ngoài để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, bảo đảm an toàn một hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong, bên ngoài.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án luật.

Nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi lần này phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản được triệt để tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như: fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản gần đây.

Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung và của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng này, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng cùng với nội dung giám sát tài chính.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung dự án luật này để tránh khoảng trống trong xử lý nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng 6 chính sách được đề cập trong dự án Luật này cũng đã đáp ứng các yêu cầu đề ra...

Nhấn mạnh dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có liên quan trực tiếp tới khoảng 20 dự án luật khác, nếu được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống, chính sách pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Tại phiên họp sáng nay, về cơ bản các ủy ban của Quốc hội thống nhất về 4 chính sách trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), và 6 chính sách trong dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); góp ý hoàn thiện dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp hoàn thiện dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4.

Thẩm tra đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, sửa đổi lần này khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Nêu rõ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng dự án luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với các chính sách, nhất là đánh giá về nguồn lực, lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi,

Hơn nữa, cần làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách, trong đó quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục