Bế mạc Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX

Video không hợp lệ
- Ngày 11-12, HĐND tỉnh khóa XIX thực hiện nội dung chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp và bế mạc kỳ họp. Dự họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Các đồng chí Chủ tọa Kỳ họp điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Thanh Phúc

Chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, làm rõ vấn đề

Phiên chất vấn tập trung 3 nhóm vấn đề về: Công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt về công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, các đại biểu nêu vấn đề: Toàn tỉnh có hơn 400 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì có tới 40% số công trình không hoạt động; 1/4 số công trình hoạt động kém bền vững. Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thu không đủ chi phí cho công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, Tổ đại biểu Na Hang – Lâm Bình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành có giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu 98% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2025 trong khi nhiều nơi công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động.

Trả lời ý kiến đại biểu Chang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết: Vấn đề đại biểu nêu đang là những tồn tại, hạn chế ở cơ sở. Các công trình nước sạch là công trình mang tính chất đặc thù, quá trình vận hành nếu bị hỏng không kịp thời sửa chữa sẽ xuống cấp rất nhanh. Hiện nay, các công trình nước sạch cấp xã quản lý hầu hết không thu được tiền để thực hiện cho quá trình duy tu, bảo dưỡng các công trình. Đối với các trung tâm nước sạch, mặc dù có đơn giá để thu tiền nhưng hàng năm Nhà nước vẫn phải cấp bù kinh phí vì chi phí duy tu bảo dưỡng lớn, mức thu lại thấp. Ngoài ra, nhiều công trình đầu tư rất lâu nay không sử dụng nhưng số liệu vẫn được thống kê.

Để khắc phục tồn tại hạn chế ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của tỉnh việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn và kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ về khai thác, sử dụng tài sản, kết cấu hạ tầng cấp nước. Đồng chí đề nghị các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác này từ khâu rà soát, quy hoạch; công tác kiểm tra, thanh tra, nghiệm thu các công trình cấp nước theo quy định. Các địa phương cần có phương án bảo dưỡng duy tu, đầu tư nâng cấp sửa chữa. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào quá trình quản lý, bảo vệ công trình...

Đại biểu Trần Văn Tú, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa.

Đại biểu Trần Văn Tú, Tổ đại biểu Chiêm Hóa đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc để đơn vị trực thuộc là Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chưa thực hiện đầy đủ chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh và các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24-9/-2010 của Chính phủ, sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, ban hành điều lệ, quy chế hoạt động của quỹ. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn liên ngành số 870/HDLSNN-TC, ngày 26-5-2014 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh và tổ chức 5 hội nghị tập huấn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cán bộ ban điều hành quỹ, các chủ rừng là tổ chức.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với bộ phận nghiệp vụ của Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng là lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ có liên quan của các cơ quan, đơn vị. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng quy định. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý và sử dụng tiền chi trả dịchh vụ môi trường rừng đảm bảo theo đúng nội dung văn bản hướng dẫn liên ngành số 2299/HDLN-SNN-STC ngày 22/11/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương.

Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt về công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trần Giang Nam, tổ đại biểu Sơn Dương đề nghị được làm rõ trách nhiệm của ngành trong việc nhân dân sử dụng đất nông lâm trường sai mục đích; chuyển nhượng không đúng các quy định của pháp luật.

Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu HĐND huyện Hàm Yên.

Đại biểu Mai Quang Thắng, tổ đại biểu Hàm Yên đề nghị nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 nông, lâm trường quốc doanh, quản lý, sử dụng gần 70 nghìn ha đất. Lịch sử hình thành các nông lâm trường trước đây hầu hết đều giao đất trên bản đồ, không có đo vẽ. Nhiều nông lâm trường có đầy đủ các loại đất. Do vậy, có nhiều diện tích người dân đang sinh sống, sản xuất trong đó.

Hiện nay, cũng còn nhiều diện tích các đơn vị quản lý vẫn chưa bàn giao được cho địa phương quản lý. Trên thực tế, nhiều hộ dân đang sử dụng đất trên phần diện tích này. Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đối với 8 đơn vị đã cổ phần hóa thuộc tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đưa khỏi đơn vị những diện tích đất không sử dụng hiệu quả hoặc những diện tích đất đang có cá nhân, hộ gia đình sử dụng. Đối với 4 đơn vị thuộc Trung ương, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ Công Thương chỉ đạo Công ty Giấy Việt Nam sớm phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới nông, lâm trường để bàn giao toàn bộ các diện tích các cá nhân, hộ gia đình sử dụng về địa phương quản lý.

Về công tác chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương do phần lớn diện tích đất chưa được đo đạc. Theo Luật Đất đai 2013, các diện tích đất được đo đạc mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với một số diện tích đất có tài sản trên đất của các nông lâm trường quốc doanh trả về địa phương không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án sáp xếp đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó, có phương án xử lý các diện tích đất các nông lâm trường quốc doanh trả về địa phương quản lý. Từ đó có phương án đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong phiên chất vấn, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã trao đổi, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện những giải pháp đã cam kết và kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực được chất vấn; báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khoá XIX.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ thêm các kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022. Đồng thời làm rõ các ý kiến thảo luận và ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. Về mục tiêu nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngay sau khi kỳ họp kết thúc, căn cứ và các quyết định của Trung ương và nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và các chương trình kế hoạch cho các sở, ngành các huyện, thành phố và các đơn vị. Đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Đồng thời, ban hành các văn bản cụ thể hóa triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thôn qua tại kỳ họp này.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XIX đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp tiếp tục có những đổi mới, dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận, đề cao trách nhiệm trong hoạt động giám sát, chất vấn. Không khí làm việc nghiêm túc, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

HĐND tỉnh đã biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023 với 20 chỉ tiêu chủ yếu. Đồng chí đề nghị, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại kỳ họp. Đồng thời, tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, quyết định, quy định của Trung ương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án và các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, rà soát, đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, bảo đảm lộ trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc.

Đối với 31 nghị  quyết được thông qua tại kỳ họp, đồng chí đề nghị, sau khi các nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Cùng với đó HĐND tỉnh tổ chức tốt Chương trình giám sát năm 2023. Đồng chí yêu cầu các vị đại biểu HĐND tỉnh nâng cao năng lực giám sát, sâu sát cơ sở, năng lực nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành để đáp ứng được yêu cầu là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục