UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4

- Sáng 25-4, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4. Dự họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Việt Hòa

Kỳ họp đã thảo luận cho ý kiến 16 nội dung, trong đó 7 nội dung thảo luận trực tiếp tại kỳ họp.

Quy định rõ hoạt động UBND tỉnh

Đối với Quy chế hoạt động của UBND tỉnh có nhiều nội dung mới, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thành viên UBND tỉnh, như việc UBND tỉnh mời họp, các thành viên UBND tỉnh phải là người đứng đầu các sở, ngành thực hiện, không cử cấp phó thay thế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Việt Hòa

Đối với các báo cáo gửi UBND tỉnh phải có chữ ký của cấp trưởng ngành. Đối với việc đi cơ sở phải có kế hoạch, trường hợp đột xuất phải báo cáo trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với việc đi công tác phải báo cáo cụ thể, trường hợp đột xuất phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp và gửi văn bản sau. Đối với các kỳ họp HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh không được bố trí đi công tác, trừ trường hợp được sự nhất trí của Chủ tịch UBND tỉnh. Các sở, ngành không được đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách. Giao việc và ấn định thời gian rõ ràng để kiểm soát tiến độ thực hiện, đánh giá, kiểm tra, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày Quy chế hoạt động của UBND tỉnh. Ảnh: Việt Hòa

Kết luận về Quy chế hoạt động của UBND tỉnh, Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các thành viên UBND tỉnh phải chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh; chủ động phối hợp giữa các sở, ngành không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi. Các sở, ngành phải thể hiện chính kiến rõ ràng trong thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19-4-2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Việt Hòa

Gỡ khó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)

Đến hết tháng 3-2023, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% khối lượng kê khai, đăng ký đất đai với 164.386 tổ chức, hộ gia đình cá nhân. Kết quả, đến tháng 3-2023, toàn tỉnh đã cấp được 538.969 giấy chứng nhận với diện tích 263.510,36 ha diện tích cần cấp, đạt 94,1%. Trong đó, đối với tổ chức đã cấp 6.195 giấy chứng nhận với diện tích 89.076,01 ha, đạt 99,8%. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã cấp 532.774 giấy chứng nhận với diện tích 174.434,34 ha diện tích cần cấp, đạt 91,4%.

Tỉnh đã triển khai đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn; cấp 16.765 giấy chứng nhận lần đầu với tổng diện tích trên 4.383 ha cho các hộ gia đình, cá nhân đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp, công ty chè trả lại cho địa phương.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh còn 96 xã, phường, thị trấn chưa được bố trí để đo đạc địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu còn trên 16.624 ha, tương đương 5,9% diện tích cần cấp.

Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ có nguồn gốc từ nông, lâm trường trả lại cho địa phương chậm. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa kịp thời…Nguyên nhân do hệ thống pháp luật đất đai liên tục thay đổi về quy định, trình tự, thủ tục; tài liệu điều tra cơ bản về đất đai còn thiếu, chất lượng kém, diện tích chưa được đo đạc lớn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai chưa được hoàn thiện; lực lượng thực thi công vụ về lĩnh vực này còn thiếu; nguồn vốn đầu tư thực hiện hạn chế…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thảo luận về lĩnh vực giá đất. Ảnh: Việt Hòa

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, vấn đề đất đai là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến đời sống của nhân dân, vì vậy yêu cầu các ngành làm rõ từng hạn chế, tham mưu cho UBND tỉnh cách xử lý từng vấn đề vướng mắc. Các sở, ngành liên quan phải chủ trì để gỡ khó từng vấn đề ngành phụ trách đến vấn đề quản lý đất đai, cấp quyền sử dụng đất, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 10-5-2023.

Phiên họp đã nghe, xem xét, thảo luận 5 nội dung quan trọng: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 29-Ctr/TU, ngày 16-12-2022 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao”; dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg, ngày 7-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

 

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục