“Ba cùng” với dân

- Sau hơn 1 năm triển khai Đề án 02-ĐA/TU, ngày 23-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có trên 1.600 lượt cơ quan, đơn vị với hơn 76.000 lượt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động “ba cùng” với nhân dân. Các đơn vị đã lựa chọn những việc cơ sở cần để tổ chức các hoạt động thiết thực nhất, tránh hình thức, tạo được niềm tin và phấn khởi trong nhân dân.

Nhân dân phấn khởi, tin tưởng

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo động lực cho người dân thi đua lao động sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Báo Tuyên Quang phối hợp cùng xã Tân Thanh (Sơn Dương) tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi của thôn Cầu Khoai.
Ảnh: Quốc việt

Chị Khổng Thị Thùy, thôn Hợp Hòa, xã Ninh Lai (Sơn Dương) chia sẻ, năm vừa rồi người dân trong thôn rất phấn khởi khi được Báo Tuyên Quang và các đơn vị trên địa bàn huyện hỗ trợ kinh phí mua giống cau rồi cử cán bộ, phóng viên về góp sức trồng cây làm đẹp thêm cho làng quê. Chị Thùy bảo, giờ hàng cau đã bén đất rồi, lên xanh lắm, mai mốt thôi con đường này sẽ trở thành điểm đến nổi bật trong hành trình du lịch nông thôn của du khách thập phương. Chị và người dân sẽ tích cực trồng hoa hai bên đường, làm cho làng quê ngày càng tươi đẹp.

Báo Tuyên Quang đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại cơ sở. Báo đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa... hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, đường giao thông, thắp sáng đường quê, thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo... Đồng chí Hoàng Khánh Linh, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai chia sẻ, kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng tình cảm, công sức của các cơ quan, đơn vị dành cho cơ sở không thể đong đếm được. Sự góp sức của các đơn vị là động lực để Ninh Lai hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

“Ba cùng” với nhân dân, Sở Công thương đã trao tặng vật liệu trị giá 15 triệu đồng để kè đá đoạn đường bê tông vào thôn Nà Sảm, xã Sơn Phú. Đồng thời, huy động cán bộ, viên chức cùng người dân Nà Sảm kè lại đường. Ông Chúc Văn Lai, Bí thư Chi bộ thôn Nà Sảm phấn khởi nói: tuyến đường này đã bị xuống cấp nặng do mưa lũ làm xói mòi. Khi được Sở Công thương hỗ trợ kinh phí để tu sửa tuyến đường, bà con mừng lắm. Thấy cán bộ tỉnh, xã xắn tay vào cuộc nên bà con rất hăng hái tham gia làm đường. Mùa xuân về bà con đi trên con đường đẹp hơn, ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Công Thương cùng nhân dân thôn Nà Sảm, xã Sơn Phú (Na Hang) vận chuyển đá để làm kè đường.

Ông Vũ Văn Giao, thôn Nà Sảm bảo, năm nay ông 64 tuổi nhưng lần đầu tiên được làm cùng làm với cán bộ tỉnh, thật vui. Cứ tưởng cán bộ tỉnh chỉ  biết đến sách bút, máy tính, nào ngờ khuân đá làm đường chả kém gì người dân bản đâu.

Trường Chính trị tỉnh đã trao số tiền 210 triệu đồng hỗ trợ làm nhà ở cho 7 hộ gia đình cận nghèo xã Tân Tiến (Yên Sơn). Ông La Văn Sỹ, thôn 4, xã Tân Tiến xúc động chia sẻ: Tết này là cái Tết vui nhất của gia đình ông, bởi có ngôi nhà mới để vui xuân cùng con cháu và bà con lối xóm. Có chỗ ở ổn định, ông sẽ cố gắng lao động sản xuất, vượt khó vươn lên.

Sự gần gũi, nắm bắt nguyện vọng của Nhân dân đã nhân lên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ với Nhân dân, tạo niềm tin sâu sắc của Nhân dân vào đường lối của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Tạo sự đồng thuận

Thực tế ở cơ sở gặp không ít vướng mắc vì người dân chưa hiểu hết chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, khi cán bộ vào cuộc đã tạo được sự đồng thuận cao.

Trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã Thiện Kế, Hợp Hòa với tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), ông Ma Văn Dương, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa không đồng ý hiến đất. Bởi, giá trị diện tích đất nhà ông phải thu hồi trị giá hơn trăm triệu đồng, nhưng không có kinh phí bồi thường. Đồng chí Hoàng Hải Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đã trực tiếp về thôn để lắng nghe ý kiến, giải thích, trả lời những băn khoăn của gia đình ông Dương và các hộ dân. Được lãnh đạo huyện giải thích thấu tình đạt lý, ông Dương đã đồng tình và tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất.

Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang giúp đỡ nhân dân đổ bê tông sân Trường Mầm non Phúc Yên (Lâm Bình).

Phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) có nhiều đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung ở tổ 7, tổ 8 có tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đi qua. Đồng chí Quách Nam Sơn, Chủ tịch UBND phường cho biết, phường có tổng số 95 hộ phải thu hồi hơn 140 nghìn m2 đất ở và đất nông nghiệp, trong đó việc di dời 64 ngôi mộ của người Cao Lan là khó khăn nhất. Bởi tập tục của người Cao Lan là “đào sâu chôn chặt”, rất khó trong việc di dời. Anh đã bám sát cơ sở, gặp gỡ từng hộ gia đình để vận động, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Vậy nên, người dân đã đồng thuận di dời các phần mộ nhường đất cho xây dựng công trình. Ông Trần Văn Lâm, tổ 8 chia sẻ, “người Cao Lan không có tục cải cát, nhưng vì sự phát triển của quê hương, gia đình ông đã tự nguyện di dời phần mộ của mẹ”. Anh Sơn còn trực tiếp gặp lãnh đạo ngành giao thông kiến nghị xây dựng cầu chui qua đường cao tốc để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Kiến nghị đó đã được chấp thuận, mang lại niềm vui cho người dân.

“Ba cùng” với Nhân dân đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực để người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục