Khắc phục tình trạng dân chủ hình thức

- Dân chủ hình thức là một trong những vấn đề không thể xem nhẹ. Bởi đây là căn bệnh trầm kha, nguyên nhân để thói lạm quyền, độc đoán, chuyên quyền sinh sôi, phát triển.

Dân chủ hình thức sẽ dẫn tới đoàn kết theo kiểu “xuôi chiều”, nể nang, không dám đấu tranh, cản trở sự tiến bộ, phát triển của tổ chức, đơn vị. Vì vậy, đấu tranh và chống các biểu hiện dân chủ hình thức là việc cần phải làm quyết liệt, đồng bộ.

Dân chủ hình thức được biểu hiện dưới nhiều góc độ, nhiều công việc khác nhau, thể hiện rõ nhất là trong xây dựng quy chế lãnh đạo, trong công tác cán bộ... Nhiều cấp ủy xây dựng quy chế lãnh đạo, quy chế dân chủ cốt để báo cáo cấp trên, nhưng không tổ chức vận hành theo quy chế hoặc tổ chức vận hành hình thức. Việc này chỉ bị phát hiện khi cấp trên kiểm tra sát sao.

Trong công tác cán bộ, dân chủ hình thức biểu hiện qua việc nhận xét, đánh giá cán bộ và làm quy trình công tác cán bộ. Theo Quy định số 89-QĐ/TƯ, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm được tiến hành qua nhiều khâu, nhiều bước với quy trình hết sức khắt khe, nhằm làm cơ sở lựa chọn được cán bộ có tài, có đức, có sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh... để thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nơi đã không thực hiện đúng quy trình. Cũng trong công tác cán bộ, theo quy định hiện hành, một chức danh phải có số dư nhân sự để cấp ủy cân nhắc, lựa chọn, nhưng có cấp ủy chỉ giới thiệu một nhân sự và tiến hành nhận xét, đánh giá rồi thực hiện quy trình.

Dân chủ hình thức còn biểu hiện qua việc xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo. Nhiều tổ chức Đảng không bám sát thực tiễn, đề ra chỉ tiêu quá cao, nhưng biện pháp lãnh đạo thì chung chung và có ít hoặc không có các ý kiến phân tích thấu đáo, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp thực tiễn. Dân chủ hình thức còn được thể hiện khá rõ trong công tác kiểm tra, giám sát.

Trong các văn bản của Đảng đã đề ra các biện pháp để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức. Đơn cử, Điều 3, Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm” quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

Để ngăn chặn các biểu hiện dân chủ hình thức, trước tiên các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nắm chắc các quy định của Đảng, tổ chức sinh hoạt Đảng nền nếp, chất lượng. Các tổ chức Đảng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong thực hiện Quy định số 37-QĐ/TƯ “Về những điều đảng viên không được làm”. Đặc biệt là cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải luôn gương mẫu thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, từ việc tham gia sinh hoạt Đảng, đóng góp, xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, đến quá trình tổ chức thực hiện... Cần tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận, khuyến khích ý tưởng sáng tạo, cách làm đột phá. Đặc biệt là cần phát huy dân chủ đi đôi với thực hiện tự phê bình và phê bình, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm trước Đảng, vì sự phát triển, tiến bộ của tổ chức. Bí thư cấp ủy cần phân tích, lắng nghe các ý kiến; chống cho được thói lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ, nhất là trong nhận xét, đánh giá và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Cùng với đó là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Bách
(Theo Báo Hà Nội Mới)

Tin cùng chuyên mục