Trách nhiệm người đứng đầu

- Sau hiệu quả của “giao việc, đặt hàng” thực hiện từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tiếp tục giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Đây vừa là cơ hội để giải quyết điểm nghẽn, gỡ việc khó từ cơ sở, vừa tạo môi trường để rèn luyện cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý.

Gỡ nhiều việc khó

Tháng 11-2022, trong lễ vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công thương tổ chức, sản phẩm bột giấy và giấy thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây là năm đầu tiên, sản phẩm công nghiệp của tỉnh đạt danh hiệu cao quý này. Đây cũng là nhiệm vụ đột phá, đổi mới mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Việc xây dựng được sản phẩm từ gỗ đạt Thương hiệu quốc gia sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo cùng lãnh đạo Tập đoàn Erex 
khảo sát xây dựng dự án điện sinh khối tại xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) có gần 90% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Bà con ở đây luôn tự hào vì vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa dân tộc độc đáo như hát Sình ca, các điệu múa dân gian, tiếng nói, trang phục. Với lợi thế này, lại nằm gần trung tâm thành phố Tuyên Quang, Đề án xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn được ban hành. Đây cũng là một trong 3 việc đột phá, đổi mới mà Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương đăng ký hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bám sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe mong muốn từ cơ sở, tuyến đường giao thông từ Kim Sơn đi Động Sơn được khởi công xây dựng là việc đầu tiên mà đồng chí Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương giải quyết. Các Homestay của người dân được đưa vào khai thác, sử dụng, Chân Sơn cũng phục dựng lại Lễ hội Đình Làng và thành lập các CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đồng thời, tổ chức Liên hoan dân ca dân vũ và giao lưu văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Cao Lan năm 2022…

Đây chỉ là 2 trong số nhiều việc đột phá mà người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã giải quyết được ngay sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao việc. Việc giao việc đột phá, đổi mới của giai đoạn này không chỉ cho 1 năm mà giao việc cho cả nhiệm kỳ. Theo Ban tổ chức Tỉnh ủy, hiện các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố đã giao 4.028 việc cho 1.860 cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu thuộc chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định.

Thiết thực với đời sống nhân dân

Năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, ngoài giao nhiệm vụ đột phá cho cán bộ, lãnh đạo do Ban Thường vụ quản lý theo quy định, Ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương cũng giao việc đến tất cả các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã. 

Giai đoạn này, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Hàm Yên) Đỗ Đình Quý đăng ký việc đột phá, đổi mới là xây dựng 2 tổ sản xuất cam và chanh VietGAP. Anh Quý cho biết, xuất phát điểm là xã thuần nông, lại là vùng sản xuất cam sành chủ lực của huyện Hàm Yên. Những năm gần đây, diện tích cam sành đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là diện tích chanh ngày càng tăng. 

Đồng chí Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương (thứ hai bên phải qua) kiểm tra tình hình sản xuất
tại Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa.

Thời điểm vận động bà con làm theo không hề đơn giản, bởi thói quen sản xuất cũ đã ăn sâu bén rễ. Anh Quý lựa chọn những hộ có diện tích vườn lớn để làm trước. Anh phối hợp với các phòng, ban của huyện, của tỉnh, mở các lớp sản xuất an toàn để bà con được tập huấn, hiểu rõ hơn về hiệu quả của cách làm mới.

Đến thời điểm này, tổ sản xuất chanh VietGAP đã được thành lập, diện tích chanh VietGAP của xã đến thời điểm này là 35 ha, diện tích cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 65 ha. Đây là thành công bước đầu mà Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Đỗ Đình Quý đạt được.

Việc thực hiện đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới đã tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên khẳng định được tính tiên phong, gương mẫu, năng động, phát huy năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là đối với người đứng đầu; tạo môi trường và động lực để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo được lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.

Như đồng chí Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, giao việc đột phá, đổi mới không chỉ tạo chuyển biến trong quản lý, điều hành, chỉ đạo của người đứng đầu, mà còn có tác động rất lớn đến tinh thần làm việc của tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Qua đó, tạo ra sự kết nối nhịp nhàng, hiệu quả trong vận hành bộ máy tổ chức chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục