Cứ mỗi đợt mưa lớn là người dân thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) nơm nớp lo sợ đất đá trên núi sạt trượt. Ông Lý Văn Dùng, dân tộc Mông lo lắng, đến mùa mưa bão sợ lắm vì đất đá trên núi cao có thể sạt lở bất cứ lúc nào nên hễ có mưa lớn xảy ra bất kể đêm hay ngày là gia đình ông di tản.
Gia đình ông Ngô Văn Vềnh cùng thôn Tân Minh cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng khăn gói để đi trú khi mưa lớn xảy ra. Ông Vềnh cho biết, nhà ngay dưới chân núi, năm nào đất đá cũng sạt xô gần đến nhà rồi sợ lắm. Cứ mưa lớn là cả nhà đi trú nhờ, bảo vệ lấy tính mạng của mình, người thân mình.
Vụ sạt lở đất, đá xảy ra hồi tháng 8-2020, tại xã Tân Long (Yên Sơn).
Theo ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, tại thôn Tân Minh hiện vẫn còn 13 hộ sinh sống dưới chân núi có nguy cơ sạt trượt đất đá bất cứ lúc nào nếu mưa lớn xảy ra. Để hạn chế thiệt hại, xã đã đề xuất với huyện hỗ trợ thực hiện di chuyển những hộ nằm trong vùng xung yếu cấp bách đến nơi an toàn. Hiện tại đã có 1 hộ được di chuyển, trong tháng 7 sẽ hỗ trợ di chuyển 1 hộ nữa. Đối với các hộ còn lại xã vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp gia cố nhà ở, bảo vệ tài sản; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại thôn Khuổi Pài, Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) nguy cơ sạt trượt đất đá khi mưa lớn xảy ra cũng rất lớn. Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, xã đã thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các điểm, khu vực có nguy cơ sạt trượt, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 90 xã nằm trong vùng có nguy hiểm, trong đó có 30 xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, gồm: Sơn Dương 7 xã, Chiêm Hóa 7 xã, Hàm Yên 5 xã, Lâm Bình 4 xã, Na Hang 4 xã, Yên Sơn 3 xã, với khoảng 2.000 hộ đang sống vùng xung yếu, điểm nguy hiểm.
Qua tìm hiểu ngoài tác động từ các loại hình thiên tai thì chính những hành động của con người đang làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, đá. Tại nhiều địa phương không hiếm gặp tình trạng các hộ dân ngang nhiên san gạt đồi, núi xây dựng các công trình dân sinh, việc làm này không những phá vỡ hiện trạng đất, tạo ra các hàm ếch, những taluy rất nguy hiểm. Nhiều bài học đã xảy ra, cụ thể năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi, thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên), san gạt đồi để làm nhà ngay sát taluy. Sau một thời gian không lâu ngôi nhà kiên cố của bà Tươi đã bị hàng trăm khối đất trên đỉnh đồi phía sau nhà sạt xuống vùi lấp, rất may không thiệt hại về người.
Phòng, chống nguy cơ sạt, lở - loại hình thiên tai nguy hiểm nhất, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, thực hiện chuyển khẩn cấp các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, từ đầu năm đến nay đã có 31 hộ đã được hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; khuyến cáo người dân không ở, làm việc, đi lại ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngầm tràn, sông suối; tổ chức lực lượng túc trực 24/24 để theo dõi, cảnh báo, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; cắm biển báo cảnh báo hoặc rào chắn tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Tỉnh đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm tỉnh thực hiện trồng trên 10.000 ha rừng. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu tác động từ các loại hình thiên tai, trong đó có sạt lở đất, đá.
Ông Trương Trọng Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232 cho biết, công ty đã yêu cầu các đội, đoạn rà soát, kiểm tra tất cả các tuyến đường thuộc công ty quản lý; cắm biển cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, bố trí nhân lực, máy móc sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đất, đá sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, các địa phương cần kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng san, gạt, xả núi tự phát để lấy mặt bằng xây dựng các công trình dân sinh làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Gửi phản hồi
In bài viết