Chị Lý Thị Lính, thôn 3 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) chăm sóc cam của gia đình.
Huyện Hàm Yên hiện có 7.260 ha cam, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 500 ha. Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam cho nông dân các xã, thị trấn. Thời gian này, đối với diện tích cam đang cho thu hoạch thì cây đang ở giai đoạn quả phát triển, phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh hại. Ông Kiều Anh Thơ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, nhện đỏ, rệp sáp, rầy, bệnh vàng lá thối rễ, chảy mủ... là những sâu bệnh thường xuất hiện trên cây có múi thời điểm này, đặc biệt cây cam. Trung tâm đã tập huấn kỹ thuật, thường xuyên hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh hại. Khi cây xuất hiện sâu bệnh, người trồng cam phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và tiến hành phun thuốc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Xã Minh Khương có 458 ha cam là nguồn thu chủ yếu của nông dân trong xã nhưng năm nay cây cam vừa già cỗi, vừa sâu bệnh, vừa chết, quả ít cộng thêm nỗi lo về tiêu thụ khiến bà con không “mặn mà” chăm sóc. Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, 2 tháng nay, nhiệt độ cao cộng với mưa lớn đột ngột đã làm cây cam trên địa bàn xã bị sốc nhiệt, chết khoảng 3 ha cam “có tuổi”. Thêm nữa, giá phân bón tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước nên việc chăm sóc, bón thúc cho cây cam cũng bị hạn chế. Trước tình hình này, xã đã vận động người dân tăng cường bón phân chuồng, phân hữu cơ để cây cam nuôi quả, không để cam chết vì không được chăm sóc và đặc biệt không để chất lượng quả cam kém, ảnh hưởng đến thương hiệu cam sành Hàm Yên.
Gia đình anh Ma Văn Phi, thôn Minh Thái, xã Minh Khương hiện đang tập trung bón phân, phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam. Anh Phi cho biết, gia đình anh có trên 20 ha cam sành, cam Vinh từ 4 - 7 tuổi, hiện đã chuyển đổi dần sang hướng hữu cơ cam đủ dinh dưỡng hơn nên hạn chế việc chết lại cho quả đều và bóng hơn chăm sóc vô cơ, an toàn cho người làm vườn và người tiêu dùng. Tuy nhiên, chăm sóc theo hướng hữu cơ chi phí cao hơn cũng là gánh nặng đối với nông dân. Hiện anh đang được anh Nguyễn Đặng Cường “vua” vịt trời ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) liên kết tài trợ 4 ha cam sành hữu cơ trong 3 năm nên cũng đỡ một phần kinh phí chuyển đổi. Anh Phi hy vọng sản phẩm cam trồng theo hướng hữu cơ của gia đình anh sẽ có đầu ra tốt hơn và giá bán cũng cao hơn vì sản phẩm sạch là nhu cầu tất yếu trong tiêu dùng thông minh.
Đối với các vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ quan chuyên môn của huyện luôn cử cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn các quy trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn. Gia đình bà Phạm Thanh Hà, thôn Km 65, xã Yên Lâm sản xuất cam VietGAP từ năm 2016. Với 400 gốc cam sành đã cho gia đình bà thu về gần 300 triệu đồng/vụ. Bà cho biết, trước đây nếu chăm sóc theo cách thông thường, ước tính phải bỏ ra không dưới 20 triệu đồng/ha để mua phân bón, thuốc trừ sâu, thì từ khi tham gia trồng cam VietGAP, gia đình bà hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, chi phí giảm khoảng 10%, cây phát triển và sinh trưởng tốt, ít khi xuất hiện sâu bệnh mà đất không bị bạc màu.
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, do thời tiết phức tạp, giá phân bón tăng cao, giá cam năm 2020 xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc đầu tư chăm sóc cam niên vụ 2021 - 2022. Trước tình hình này, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân khắc phục khó khăn, chăm sóc vườn cam đạt năng suất, chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Hàm Yên. Đối với việc tiêu thụ cam vào vụ 2021 - 2022, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phòng tham mưu cho UBND huyện một số giải pháp như tăng cường liên kết với các tỉnh, quảng bá qua các kênh bán hàng như chợ, siêu thị... để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam. Nhưng việc cần tập trung thời điểm này là chăm sóc đúng, đủ dinh dưỡng và phòng bệnh cho cây cam để quả cam đạt chất lượng, giữ vững được “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Gửi phản hồi
In bài viết