Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) chăn nuôi gà
bằng phương pháp an toàn sinh học.
Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) rất lo lắng cho 15.000 con gà của hợp tác xã. Thời điểm này thương lái từ nhiều nơi tới mua gà, do vậy nguy cơ phát sinh dịch là rất cao. Hợp tác xã đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài việc hàng ngày chăm sóc đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột, các thành viên đã tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia cầm; con giống được nhập từ công ty uy tín, đảm bảo sạch bệnh; kiểm soát chặt chẽ người ra vào chuồng nuôi…
Nhận thức rõ công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả sẽ giúp cho việc chăn nuôi thành công, tránh thua lỗ nên gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cũng đã chủ động chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bà Thơm cho biết, hiện bà đang nuôi khoảng 300 con gà và vịt để phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Để chăn nuôi gia cầm hiệu quả thì người chăn nuôi phải chủ động phòng chống dịch bệnh, không nên trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Cả cơ nghiệp của gia đình trông vào đàn gia cầm nên khi vừa biết thông tin dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát, gia đình đã lập tức chủ động đi mua vắc - xin về tiêm phòng cho đàn gia cầm. Ngoài ra, bà cũng chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tăng cường nguồn thức ăn xanh, bổ sung chất dinh dưỡng để cho gà mau lớn. Đồng thời sử dụng đèn sưởi giữ ấm cho đàn gà.
Không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi, cúm gia cầm do vi rút chủng cúm A/H5N1 còn có thể lây sang người gây nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế vừa qua, tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5. Đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Qua đó, có thể thấy mức độ nguy hiểm tiềm ẩn do dịch cúm gia cầm gây ra nếu không được kiểm soát tốt.
Chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn An Thịnh, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) chia sẻ, mấy năm trước thì dịch tả lợn châu Phi, nay lại đến chu kỳ dịch cúm gia cầm, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, thậm chí còn lây nhiễm sang người, do vậy, việc áp dụng đúng và đầy đủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn không chỉ giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và mọi người xung quanh.
Người dân thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) rắc vôi khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực nuôi nhốt gia cầm.
Toàn tỉnh hiện có trên 7 triệu con gia cầm. Để chủ động công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, hiện nay các địa phương đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, phòng nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý khi phát hiện ổ dịch.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tuy tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ bùng dịch vẫn hiện hữu. Do đó, để đảm bảo việc chăn nuôi được thuận lợi thì người dân nên mua con giống ở những nơi có uy tín, thương hiệu rõ ràng. Tổ chức tiêm vắc - xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gia cầm. Cùng với đó người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Điều đặc biệt cần lưu ý là khi đàn gia cầm có biểu hiện nhiễm bệnh thì không nên tự mua thuốc điều trị mà phải báo ngay cho cán bộ thú y ở cơ sở để được hỗ trợ…
Gửi phản hồi
In bài viết