Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trong 7 ngày qua, khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được từ 300-400mm. Cá biệt 1 số tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai tổng lượng mưa lên đến 400-550 mm. Mưa lớn đã gây lũ cục bộ trên sông, suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, gây thiệt hại về người và của. Đến ngày 8-8, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đã làm 11 người chết; 350 nhà sập, hư hại; 170 ha lúa, hoa màu và 11 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại... Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông.
Tại Tuyên Quang, mưa lớn cũng xảy ra diện rộng, gây lũ trên hệ thống sông Lô - Gâm, suối nhỏ. Tính đến thời điểm này, Tuyên Quang chưa ghi nhận sạt lở, tài sản của người dân vẫn được bảo đảm an toàn.
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ nay đến sáng 9-8, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn cục bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11 và ngày 12-8.
Tại cuộc họp, các cơ quan, bộ, ngành, các tỉnh đã báo cáo tình hình thiên tai và công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại. Công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai theo phương châm 4 tại chỗ; tại các khu vực xung yếu, người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn; 1 số quốc lộ, tỉnh lộ đã được thông tuyến...
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương gửi lời chia buồn đến những gia đình có nạn nhân thiệt hại do mưa lũ. Đồng chí nhận định, diện và lượng mưa lũ giảm dần tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều bất thường, khó đoán định.
Để giảm thiểu thiệt hại, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, nhất là các bản tin nhận định mưa lớn thời đoạn 3-5 ngày trong bối cảnh nhiều khu vực đã xảy ra mưa lớn, đất bão hoà nước.
Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; triển khai lực lượng xung kích thường trực 24/24 kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; không để người dân ra suối vớt củi, bắt cá để bảo đảm an toàn; huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, thông tuyến trục giao thông chín; kiểm tra rà soát các hồ chứa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du...
Gửi phản hồi
In bài viết