Ngày 6-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tổ chức khai giảng năm học mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương chưa được kiểm soát.
Những tháng qua, dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng kinh tế-xã hội, sức khỏe, con người, tâm lý xã hội, nhân dân; nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình 8 tháng qua ổn định; tiếp dục duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế, các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại càng phức tạp nhưng đạt kết quả tích cực, nhất là ngoại giao vaccine, đạt hiệu quả rõ rệt.
Việc phòng, chống dịch vẫn phải coi là nhiệm vụ ưu tiên. 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải ưu tiên hàng đầu cho phòng, chống dịch. Các tỉnh thành phố còn lại tùy tình hình, có chuyển hướng, thay vì phòng, chống dịch tập trung, chuyển sang kết hợp hài hòa vừa tập trung thống nhất chuyên sâu, phân cấp, phân quyền xuống tận xã, phường, thị trấn, là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất, nơi người dân tiếp cận sớm nhất với chính quyền với tinh thần lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch...
"Trên thực tế, chúng ta huy động lực lượng y tế, quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể khác cùng với nhân dân, doanh nghiệp tập trung chống dịch. Kết quả vừa qua cho thấy, nhiều dấu hiệu tích cực nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách theo Chỉ thị 16", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta quản lý, tổ chức nhân dân tham gia chống dịch. Đưa tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, từ sớm, từ cơ sở đến người dân. Chăm lo an sinh xã hội cho người dân ngay tại xã, phường, thị trấn. Bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân tại xã, phường, thị trấn do lực lượng công an làm nòng cốt. Tuyên truyền vận động cho nhân dân hưởng ứng "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm"".
"Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đánh giá, chúng ta đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch, vấn đề là tổ chức thực hiện đúng. Đến nay, đã cơ bản từng bước kiểm soát tình hình tại các địa phương công tác trên", Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao các lực lượng tuyến đầu, các tổ chức tình nguyện tham gia chống dịch, cùng các địa phương, doanh nghiệp đạt kết quả tốt.
Công tác phòng, chống dịch phải tập trung nhiều thời gian, công sức, do đó, Thủ tướng đề nghị:
Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất các địa phương để có hỗ trợ tài chính, giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thúc đẩy việc này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét trên cơ sở đánh giá, đề xuất của địa phương, cơ quan, đơn vị có chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bảo đảm lưu thông hàng hóa và di chuyển con người cần có sự chỉ đạo thống nhất. Bộ trưởng Giao thông vận tải cần tham mưu và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo việc này.
Tăng cường các biện pháp về phòng, chống dịch, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, tổng kết từ thực tiễn, bổ sung các biện pháp phù hợp tình hình. Nghiên cứu thích ứng an toàn phòng, chống dịch trong điều kiện mới do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách.
Liên quan công tác ngoại giao vaccine, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục chỉ đạo.
Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế trong điều kiện mới.
Về việc Chính phủ tập trung thảo luận 6 nội dung quan trọng, Thủ tướng đề nghị, nội dung nhiều, yêu cầu thì cao, chuẩn bị có hạn, do đó mong các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, nghiên cứu, phát biểu đóng góp ý kiến đánh giá đúng tình hình, phân tích tìm hiểu nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong tháng 9 hiệu quả cao hơn, làm tiền đề nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra.
Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô 8 tháng cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 1,79% so cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm.
Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh.
Công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 được tăng cường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ.
Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn nước ngoài...
Gửi phản hồi
In bài viết